1. Nguồn gốc:
- Đèn Wood được phát minh vào năm 1903 bởi nhà vật lý người Baltimore là Robert Williams Wood. Đèn Wood truyền thống là một cung thủy ngân có công suất thấp được bao phủ bởi bộ lọc Wood (gồm barium silicate và 9% nickel oxide), phát ra bước sóng từ 320–400 nm (đỉnh 365 nm). Đèn Wood được sử dụng trong thực hành da liễu lần đầu tiên bởi Margarot và Deeveze năm 1925 để chẩn đoán nấm da.
- Ngày nay, Đèn Wood là một công cụ thường dùng để hỗ trợ chẩn đoán trong Da liễu, giúp kiểm tra da và tóc khi tiếp xúc với ánh sáng cực tím A có bước sóng dài (UVA-còn gọi là ánh sáng đen) của đèn Wood. Ánh sáng đen không thể nhìn thấy bằng mắt thường vì nó nằm trong quang phổ tử ngoại, với bước sóng chỉ ngắn hơn bước sóng màu tím. Trong môi trường tối có thể nhìn thấy ánh sáng màu tím của đèn Wood vì nó cũng phát ra một số ánh sáng thuộc dải màu tím của quang phổ điện từ.
2. Cách sử dụng:
Kiểm tra bằng đèn Wood bao gồm các bước sau:
a. Vùng da cần kiểm tra không nên làm sạch quá mức trước đó và cũng không nên có bất kỳ lớp trang điểm, chất khử mùi hoặc kem dưỡng ẩm nào, vì những chất này có thể phát huỳnh quang gây ra kết quả dương tính giả
b. Có thể cần làm sạch da mặt nhẹ nhàng
c. Đèn gỗ được bật để làm ấm trong khoảng một phút
d. Đèn phòng nên được tắt và kéo rèm cửa sổ hoặc sử dụng tấm màn đen để làm tối môi trường xung quanh
e. Sau khi chờ thích nghi với bóng tối, da được kiểm tra bằng đèn Wood trong vài giây. Đèn được giữ cách da khoảng 10-30 cm. Thao tác khám không đau và an toàn.
- Đèn Wood được sử dụng để xác định mức độ của các mảng tăng sắc tố hoặc mất sắc tố và phát hiện huỳnh quang. Da khỏe mạnh bình thường có màu hơi xanh nhưng có đốm trắng ở nơi da dày, màu vàng ở nơi da nhờn và đốm màu tím ở nơi da bị mất nước. Vải quần áo thường có màu trắng sáng.
- Kết quả dương tính được báo cáo nếu rối loạn sắc tố dễ nhận thấy hơn khi kiểm tra bằng đèn Wood hoặc nếu phát hiện thấy huỳnh quang.
3. Huỳnh quang là gì:
Huỳnh quang là sự phát ánh sáng có màu nhìn thấy được khi một số chất như collagen và porphyrin hấp thụ ánh sáng đen và phát ra lại ở bước sóng dài hơn trong quang phổ khả kiến. Các vật dụng trên bề mặt da như vải, thuốc bôi và cặn xà phòng cũng có thể phát huỳnh quang.
4. Những ứng dụng của đèn Wood trong kiểm tra, chẩn đoán bệnh da:
a. Tăng sắc tố (ví dụ: nám da, tăng sắc tố sau viêm): giúp xác định xem sắc tố đó là nằm ở thượng bì (sắc tố được tăng đậm khi kiểm tra bằng đèn Wood) hay trung bì (sắc tố không thay đổi khi kiểm tra bằng đèn Wood). Tổn thương tăng sắc tố có đường viền rõ ràng dưới ánh sáng Wood vì ánh sáng bị hấp thụ bởi sự gia tăng sắc tố melanin
b. Mất sắc tố (ví dụ: bệnh bạch biến) hoặc giảm sắc tố (ví dụ, các dát hình lá màu tro ở bệnh xơ cứng củ và giảm sắc tố Ito): giúp xác định các vùng bị ảnh hưởng ở những người da sáng màu. Vùng da giảm sắc tố có đường viền sắc nét hơn dưới ánh sáng đèn Wood và phát huỳnh quang màu trắng xanh sáng (bright blue-white) (hoặc đôi khi, xanh lục vàng - yellowish green) do tích lũy biopterins. Ngược lại, những vùng giảm sắc tố do giảm lưu lượng máu thì không thay đổi màu sắc.
c. Bệnh lang ben – do nấm men Malassezia gây ra. Khi hoạt tính, các vảy da trong bệnh này phát quang màu vàng hoặc màu cam đồng (yellowish or copper-orange)
d. Viêm nang lông Malassezia — nang lông phát huỳnh quang màu trắng hơi xanh (bluish-white)
e. Nấm da đầu - những vùng có vảy và hói đầu do nhiễm nấm. Các loài Microsporum phát huỳnh quang xanh lục lam (blue-green) (M canis, M audouinii, M ferrugineum, M distortum); Trichophyton schoenleinii phát huỳnh quang màu xanh lam mờ (dull blue). Nhiễm nấm do các chủng khác không phát quang
f. Erythrasma — vi khuẩn corynebacteria gây phát huỳnh quang màu hồng san hô (coral-pink)
g. Pseudomonas - trực khuẩn mủ xanh gây phát huỳnh quang màu xanh lục (green).
h. Mụn trứng cá – có huỳnh quang màu đỏ cam (orange-red) do P.acnes trong nang lông
i. Porphyria gây ra huỳnh quang màu hồng đỏ trên da (porphyria cutanea tarda), hoặc trên răng (erythropoetic porphyria). Porphyrin được sử dụng làm chất cảm quang trong liệu pháp quang động học (photodynamic therapy)
k. Chất bôi có chứa acid salicylic có màu xanh lục
5. Đèn Wood có gây gại gì không?
- Ánh sáng đen do đèn Wood phát ra là vô hại. Đèn không phát ra bức xạ tia cực tím B có bước sóng ngắn (290–320 nm) nên không gây bỏng nắng hay làm tổn hại đến làn da khỏe mạnh.
- Đôi khi một bệnh nhân quá nhạy cảm với ánh sáng có thể xuất hiện phát ban trên da tiếp xúc với ánh sáng đen. Tuy nhiên, việc kiểm tra bằng đèn Wood thường rất nhanh gọn và không gây ra vấn đề gì ngay cả ở những bệnh nhân rất nhạy cảm với ánh sáng.
- Cần thận trọng là yêu cầu bệnh nhân nhắm mắt khi khám mặt.

Hình 1: Màu trắng xanh sáng của bạch biến dưới đèn Wood
Hình 2: Màu xanh lục lam của Nấm da đầu dưới đèn Wood
Hình 3: Màu vàng của Malassezia furfur dưới đèn Wood
Hình 4: Móng có màu xanh lục do Pseudomonas dưới đèn Wood
Hình 5: Màu đỏ san hô trong bệnh Erythrasma dưới đèn Wood
Hình 6: Màu đỏ cam của P.acnes dưới đèn Wood
Hình 7: Răng có màu hồng đỏ trong bệnh erythropoetic porphyria dưới đèn Wood
Chúng tôi trên mạng xã hội