Mối liên quan giữa lợi khuẩn “probiotic” đối với chuyên ngành da liễu
Cơ thể người là nơi chứa vô số các vi sinh vật. Hệ vi sinh vật này rất quan trọng trong việc duy trì một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Những thay đổi trong hệ vi sinh vật cho phép các loài cơ hội và vi khuẩn gây bệnh xâm nhập và từ đó gây bệnh. Ngày nay, người ta thấy rằng những vi khuẩn cư trú trên da cũng có các chức năng tương tự vi khuẩn đường ruột trong điều hòa miễn dịch và cơ chế bệnh sinh. Do đó, điều chỉnh hệ thống miễn dịch bằng cách sử dụng vi sinh là một hướng nghiên cứu mới đầy hứa hẹn. Một trong những phương pháp để thực hiện điều này là thông qua việc sử dụng lợi khuẩn, bao gồm các vi sinh vật sống, khi được sử dụng với số lượng thích hợp, có thể mang lại sức khỏe cho con người. Một số lợi ích của việc sử dụng lợi khuẩn dạng uống và tại chỗ có thể được sử dụng trong việc ngăn ngừa và điều trị một số bệnh da như viêm da cơ địa, viêm da dầu, vảy nến, trứng cá,… đang thu hút nhiều sự tập trung nghiên cứu.
Vai trò của lợi khuẩn “probiotic” đối với một số bệnh da
- Viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh da miễn dịch khá phổ biến. Trên những người bị viêm da cơ địa có sự rối loạn chức năng hàng rào biểu bì cùng với rối loạn điều hòa miễn dịch tạo điều kiện cho sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Sự gia tăng số lượng vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) trong viêm da cơ địa đã làm giảm sự đa dạng của các hệ sinh vật thường trú khác. Trong một cuộc điều tra về viêm da cơ địa cho thấy trên những bệnh nhân viêm da cơ địa mức độ nặng, S. aureus chiếm ưu thế, trong khi những bệnh nhân viêm da cơ địa mức độ nhẹ hơn, S. epidermidis lại chiếm ưu thế. Hơn nữa, môi trường đường ruột cũng có thể tác động đến cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa. Ở những trẻ mắc bệnh viêm da cơ địa liên quan IgE có sự giảm số lượng vi khuẩn đường ruột ở những năm đầu đời. Ở trẻ 2 tháng tuổi có tồn tại vi khuẩn đường ruột Escherichia coli (E. coli) mang lại lợi ích bảo vệ sức khỏe lâu dài, khi khảo sát thấy làm giảm tỉ lệ mắc viêm da cơ địa đến khi trẻ được 6 tuổi. Do đó, việc điều chế hệ vi sinh vật có thể là một giải pháp cải tiến trong chiến lược phòng ngừa và điều trị mới của viêm da cơ địa. Trong một phân tích dữ liệu bao gồm 1070 trẻ em được chẩn đoán viêm da cơ địa, sử dụng lợi khuẩn đường uống với với Lactobacillus fermentum, Lactobacillus salivarius và hỗn hợp các chủng khác đã có sự giảm đáng kể chỉ số đánh giá mức độ nặng của viêm da cơ địa- SCORAD (Scoring Atopic Dermatitis). Nakatusji và cộng sự đã chứng minh việc bôi tại chỗ các vi khuẩn cộng sinh trên da có khả năng chống lại các vi khuẩn gây bệnh khác. Bôi Lactobacillus johnsonii lên tổn thương của bệnh nhân viêm da cơ địa 2 lần/ngày trong 3 tuần dẫn đến làm giảm chỉ số SCORAD. Một nghiên cứu khác chỉ ra bôi Streptococcus thermophiluslên tổn thương viêm da cơ địa làm cải thiện đáng kể tình trạng da vảy, đỏ và ngứa. Mặc dù nghiên cứu về lợi khuẩn cho viêm da cơ địa vẫn còn trong giai đoạn đầu, nhiều thử nghiệm cho đến nay đã cho thấy tính hữu hiệu.
- Viêm da dầu
Viêm da dầu được cho là một đáp ứng viêm đối với các axit béo tự do được sản xuất bởi nấm Malassezia- thường trú ở da. Mặc dù sự cải thiện bệnh liên quan đến số lượng nấm, tuy nhiên nồng độ nấm không tương quan đến mức độ trầm trọng bệnh. Việc giảm sự đa dạng vi khuẩn là một yếu tố tiên lượng tốt về mức độ trầm trọng của bệnh. Vì lý do này, một số nhà nghiên cứu đã đánh giá việc sử dụng lợi khuẩn để điều trị viêm da dầu. Gueniche A và cộng sự đã thấy rằng việc sử dụng lợi khuẩn bôi tại chỗ từ V. filiformis làm giảm da đỏ, vảy và ngứa trong nghiên cứu mù đôi 60 bệnh nhân. Bệnh nhân dùng L. paracasei đường uống giảm các triệu chứng đáng kể, kèm theo cải thiện về vảy da đầu, đỏ da và tiết bã nhờn.
- Vảy nến
Một số nghiên cứu đề xuất rằng thay đổi hệ vi sinh vật trên da có thể hoạt hóa con đường sinh bệnh học Th17 trong bệnh vảy nến. Một số nghiên cứu đã chứng minh xu hướng giảm sự đa dạng vi sinh vật giữa vùng tổn thương và vùng da lành. Ở vùng da bệnh với sự hiện diện nhiều Actinobacteria so với da lành, thì lại hiếm hoặc không có mặt của Staphylococcus aureus và Streptococcus. Cho đến nay, bằng chứng về vai trò của lợi khuẩn đối với bệnh vảy nến vẫn còn hạn chế, mặc dù một số bằng chứng cho thấy lợi khuẩn có thể tạo ra tác dụng điều hòa miễn dịch bằng cách làm giảm tình trạng viêm. Nhiều nghiên cứu về vai trò của hệ vi sinh vật và cách điều chế của nó được xem như một liệu pháp điều trị bệnh vảy nến, sẽ là nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo.
- Trứng cá thông thường
Trứng cá thông thường được biết là bệnh lý liên quan đến vi khuẩn Propionibacterium acnes. Sự gián đoạn về hệ sinh vật đường ruột ảnh hưởng đến sinh bệnh học trứng cá thông qua trục ruột-da. Một nghiên cứu sử dụng kết hợp Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus delbrueckii bulgaricus, B. bifidum đem lại hiệu quả tương tự sử dụng minocyclin trong điều trị trứng cá với sự giảm 67% tổn thương sau 12 tuần và rất ít tác dụng phụ. Sự kết hợp giữa lợi khuẩn dạng uống này và minocycline thậm chí còn có hiệu quả cao hơn. Một nghiên cứu khác cho thấy giảm 30% tình trạng viêm sau sử dụng liều hằng ngày L. bulgaricus và S. thermophilus trong 12 tuần. Hàm lượng bã nhờn và nồng độ axit béo tự do cũng giảm từ 50% trở lên trên da của những bệnh nhân dùng lợi khuẩn dạng uống này.
Tóm lại, từ kết quả nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật đóng một vai trò quan trọng trong chuyên ngành da liễu và cung cấp tiềm năng trong vấn đề điều trị. Lợi khuẩn thúc đẩy một hệ vi sinh vật khỏe mạnh, tạo ra sự cân bằng tối ưu, kích hoạt hệ miễn dịch và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Các thử nghiệm lâm sàng về lợi khuẩn uống và bôi tại chỗ với quy mô cỡ mẫu lớn là cần thiết để mô tả tính an toàn, liều lượng và thời gian điều trị hiệu quả nhất. Đem lại sự đóng góp lớn trong vấn đề điều trị trong một số bệnh da.
Bài viết: TS.BS.Võ Dương Nguyên Sa
Tài liệu tham khảo
- Yu Y, Dunaway S, et al. Changing our microbiome: probiotics in dermatology. Br J Dermatol. 2020 Jan;182(1):39-46. doi: 10.1111/bjd.18088. Epub 2019 Jul 28. PMID: 31049923.
- Bindurani S. Review: Probiotics in dermatology. J Skin Sex Transm Dis 2019;1(2):66-71.
- Ellis, Samantha R, et al. The Skin and Gut Microbiome and Its Role in Common Dermatologic Conditions. Microorganisms vol. 7,11 550. 11 Nov. 2019, doi:10.3390/microorganisms7110550.
Chúng tôi trên mạng xã hội