Bệnh viện Da Liễu TP.Đà Nẵng

CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC SỨC KHỎE BỆNH HỘI CHỨNG STEVENS-JOHNSON

Thứ hai - 30/09/2019 03:26
1. ĐẠI CƯƠNG
Là một hội chứng đặc trưng bởi các thương tổn đa dạng ở da và niêm mạc.Căn nguyên do dị ứng thuốc hoặc nhiễm trùng. Bệnh thường bắt đầu bằng các triệu chứng giống như cúm, sau đó xuất hiện các ban đỏ tím, đau rát, lan rộng, tạo bọng nước, có khi trợt ra, hoại tử, thương tổn chủ yếu ở các hốc tự nhiên như mắt, mũi, miệng, sinh dục làm người bệnh đau đớn, ăn uống khó khăn. Trường hợp nặng có thể tử vong.
2. KẾ HOẠCH CHĂM SÓC
2.1 Nhận định
-  Tình trạng toàn thân và các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh: sắc mặt, mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, nước tiểu 24 giờ (màu sắc, số lượng)
-  Tổn thương da, niêm mạc.
-  Tình trạng đau, khó chịu toàn thân.
-  Tình trạng tiêu hoá, ăn uống.  
-  Tình trạng tinh thần của người bệnh.
-  Khả năng biến chứng có thể xảy ra.
2.2 Chẩn đoán điều dưỡng:  Dựa vào các dữ liệu thu thập được qua nhận định bệnh nhân có thể đưa ra các chẩn đoán chăm sóc sau:  (đặc trưng là chăm sóc theo triệu chứng hoặc nhu cầu cơ bản thứ tự theo vấn đề ưu tiên)
Cấu trúc: vấn đề + liên quan đến + yếu tố liên quan (nguyên nhân).
1. Người bệnh có rối loạn dấu hiệu sinh tồn liên quan đến tiến triển bệnh
2. Người bệnh có tổn thương da và niêm mạc do tình trạng bệnh.
3. Người bệnh đau, khó chịu liên quan đến tình trạng tổn thương da.
4. Nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống kém hoặc liên quan đến chế độ ăn không hợp lý.
5. Người bệnh lo lắng do thiếu kiến thức về bệnh.
6. Người bệnh ngủ ít do đau, khó chịu.
7. Nguy cơ có biến chứng nhiễm khuẩn da thứ phát, nhiễm khuẩn huyết, rối loạn nước điện giải....do tiến triển bệnh.
8. Khả năng bệnh nặng thành Hội chứng Lyell do tiến triển bệnh.
2.3 Lập kế hoạch:
1. Theo dõi dấu hiệu sinh tồn cho người bệnh theo y lệnh và khi có yêu cầu
2. Chăm sóc thương tổn da và niêm mạc
3. Giảm đau đớn, khó chịu cho người bệnh
4. Thực hiện y lệnh kịp thời đầy đủ
5. Tăng cường chế độ dinh dưỡng bằng nhiều đường.
6. Giảm lo lắng, Giáo dục sức khỏe cho người bệnh.
7. Tăng cường giấc ngủ hiệu quả cho người bệnh.
8. Ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra.
2.4  Những can thiệp của điều dưỡng
2.4.1 Chăm sóc cơ bản và đặc biệt:
- Đo dấu hiệu sinh tồn theo y lệnh và khi có yêu cầu và thực hiện xử trí theo y lệnh.     
- Vệ sinh:
+ Tuỳ mức độ nặng của bệnh phải chú ý đảm bảo vô khuẩn, giữ vệ sinh môi trường xung quanh, thay ga hàng ngày, không cho người nhà vào thăm nhiều để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
+ Giúp hoặc làm vệ sinh thân thể, răng miệng, mắt mũi, bộ phận sinh dục, phòng dính, nhiễm khuẩn. Cắt ngắn móng tay  và vệ sinh sạch sẽ.
- Chăm sóc các kĩ thuật được áp dụng trên người bệnh nếu có: như chườm lạnh, đặt thông dạ dày, đặt ống thông bàng quang, các vết loét, các tổn thương của da, các hốc tự nhiên…
- Tinh thần:  
+ Cho BN nằm nghỉ ngơi tại giường, đảm bảo yên tĩnh, giảm tiếng ồn, giảm ánh sáng để giúp BN dễ ngủ hơn.
+ Giải thích, ân cần, thông cảm, an ủi, động viên quan tâm  người bệnh và người nhà người bệnh để họ yên tâm, tin tưởng và hợp tác điều trị.
2.4.2 Chăm sóc tổn thương da và niêm mạc:
- Cho người bệnh nằm giường bột talc phủ kín toàn bộ giường tránh để da tổn thương tiếp xúc trực tiếp tấm vải trải giường. Thường xuyên xoay trở cho BN.
- Thay tấm vải trải giường hàng ngày 1-2 lần và khi có yêu cầu
- Tắm, gội đầu cho người bệnh 1 lần/ngày bằng dung dịch thuốc tím 1/10.000. Khi tắm, gội cần tránh kỳ cọ mạnh làm trầy xước, lột da thành mảng gây đau rát, nhiễm khuẩn, lâu lành tổn thương.
- Thấm khô tổn thương, giữ ấm cho BN.
- Nếu có các bọng nước to chưa vỡ, nên dùng bơm tiêm hút hết dịch trước khi bôi thuốc. Không cho BN cào gãi tổn thương.
- Bôi thuốc theo y lệnh
2.4.3 Thực hiện y lệnh: Thực hiện y lệnh chính xác, đầy đủ và kịp thời.
2.4.4 Chăm sóc chế độ ăn: Giải thích cho NB và người nhà tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với quá trình điều trị và phục hồi.
+ Uống: nếu người bệnh uống được phải cho uống nhiều nước, uống nước cam, nước chanh đường. Không sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, chất kích thích...
+ Ăn: tránh các thức ăn có nhiều nguy cơ dị ứng hoặc nghi ngờ gây dị ứng. Ăn nhiều hoa quả, hạn chế muối, nên ăn lỏng, ăn nhẹ. Thay đổi món ăn hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng giúp BN ăn ngon miệng hơn.
+ Nếu người bệnh không tự ăn được phải nuôi dưỡng người bệnh bằng đường tĩnh mạch, qua thông dạ dày (đảm bảo đủ dinh dưỡng).
2.4.5 Chế độ theo dõi:
- Diễn biến lâm sàng: Theo dõi biến chuyển của tổn thương, theo dõi tiến triển bất thường tại chỗ và toàn thân để phòng biến chứng và bệnh nặng lên.
- Theo dõi sử dụng thuốc: Cách bôi, thời gian, liều lượng, đường dùng...
- Theo dõi chế độ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh.
2.5  Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo
-  Đánh giá tình trạng tiến triển của thương tổn.
-  Các kỹ thuật và thuốc đã thực hiện.
-  Báo cáo bác sĩ các bất thường về tình trạng của người bệnh: sốt, tăng hoặc hạ huyết áp, xuất hiện tổn thương mới...
3. GIÁO DỤC SỨC KHỎE  
- Hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh biết cách phòng tai biến dị ứng do thuốc.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, đúng liều và cách phát hiện sớm các dấu hiệu dị ứng. không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong đơn được BS kê cho NB.
- Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: có thể ăn uống bằng chất lỏng nếu có xuất hiện chứng đau khi nuốt. Tránh ăn, uống những thức ăn, thuốc đã gây dị ứng. Uống đủ nước để chống mất nước.
- Hướng dẫn người bệnh và người nhà cho người bệnh ăn, uống theo đúng chỉ định của bác sĩ và điều dưỡng.
- Hướng dẫn người bệnh giữ thân thể luôn luôn khô ráo và sạch sẽ.
- Hướng dẫn người nhà tuân thủ các nội quy bệnh viện để đảm bảo vô trùng.
- Rửa tay cẩn thận: bất cứ người nào đang chăm sóc vùng da thương tổn cần phải rửa sạch tay để phòng chống bệnh nhiễm trùng
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của mình.
Phòng bệnh:
- Cần giáo dục cho NB hiểu biết các triệu chứng của bệnh, không tái sử dụng các thuốc đã xác định là dị ứng hoặc nghi ngờ gây dị ứng, có thẻ chứng nhận NB dị ứng thuốc.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc, tránh lạm dụng thuốc, khi cần dùng thuốc, phải thông báo cho bác sĩ tiền sử dị ứng của mình, nếu có bất kì những biểu hiện bất thường  nào sau khi sử dụng, phải dừng thuốc ngay và đến các cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo:
  1. HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH DA LIỄU của Bộ Y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015)

Tác giả bài viết: ĐD CK1 Lê Thị Kiều Trang- BVDL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây