Bệnh viện Da Liễu TP.Đà Nẵng

MỘT SỐ LƯU Ý CỦA ĐIỀU DƯỠNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO BỆNH NHÂN MẮC BỆNH GHẺ

Thứ năm - 06/10/2022 04:42
MỘT SỐ LƯU Ý CỦA ĐIỀU DƯỠNG TRONG CÔNG TÁC GIÁO DỤC SỨC KHỎE CHO BỆNH NHÂN MẮC BỆNH GHẺ
Khi nhắc đến bệnh Ghẻ, nhiều người thường hay có suy nghĩ bệnh do vệ sinh kém. Chính vì những suy nghĩ đó nên nhiều bệnh nhân thường có tâm lý e ngại và xấu hổ khi được bác sĩ chẩn đoán là mình bị bệnh Ghẻ.
Trên thực tế, nguyên nhân của căn bệnh này không chỉ do thói quen sinh hoạt kém vệ sinh. Nguyên nhân của bệnh ghẻ ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với những người mắc bệnh ghẻ thì còn được biết đến do lây truyền qua các vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người mắc bệnh ghẻ mà không được xử lý đúng. Một số cơ sở dịch vụ lưu trú bệnh nhân dài ngày, nơi mà có drap trải giường, khăn phủ, chăn, nệm… không được vệ sinh tốt làm nhiễm ký sinh trùng đặc biệt là ký sinh trùng gây bệnh Ghẻ, chính những vật dụng này khi sử dụng làm lây lan bệnh ghẻ.
Bệnh Ghẻ do ký sinh trùng Sarcoptes scabieihominis gây nên. Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua vật dụng cá nhân như chiếu, giường, màn, khăn, áo quần… Đặc trưng của bệnh Ghẻ là nổi mụn nước li ti trên nền da lành, rải rác, riêng rẽ, thường ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, rốn, kẽ mông, đùi và bộ phân sinh dục. Bệnh nhân ngứa rất nhiều, ngứa rất khó chịu và đặc biệt là ngứa nhiều về ban đêm. Bệnh có thể gây các biến chứng như nhiễm trùng, chàm hóa, viêm cầu thận cấp…
Đa số các bệnh nhân bị mắc chứng ngứa ngoài da và nổi mụn nước thường hay chủ quan, họ tự mua thuốc điều trị hoặc là tắm nước lá hoặc đi chích lể hay tìm đến các cơ sở để xét nghiệm ký sinh trùng nhưng họ thường bỏ qua việc khám chuyên khoa Da liễu. Việc tự xử lý bệnh trong một thời gian dài thường dẫn đến việc làm cho bệnh lây lan nhiều hơn, nặng hơn trên cơ thể, gây tốn kém rất nhiều tiền bạc và làm lây lan bệnh cho những người cùng tiếp xúc, sinh sống. Đa số các bệnh nhân Ghẻ đến với Bệnh viện Da liễu trong tình trạng nặng: da thâm, nhiễm khuẩn và ngứa rất nhiều gây ảnh hưởng đến giấc ngủ đặc biệt là ở những bé sơ sinh và trẻ nhỏ.
Trong công tác chăm sóc, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho những bệnh nhân mắc bệnh Ghẻ, Điều dưỡng chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề xử lý vật dụng cá nhân và đồ vải. Tất cả đồ vải của các khoa trong bệnh viện đều được đưa xuống khoa Chống nhiễm khuẩn hấp ở nhiệt độ cao, bảo đảm không còn ký sinh trùng và vi khuẩn gây bệnh trước khi phát cho bệnh nhân sử dụng và đồ vải của bệnh nhân Ghẻ cũng được Hộ lý thu gom và giặt, hấp theo đúng quy trình.
Việc điều trị cho bệnh nhân Ghẻ cần phải chú ý điều trị cho tất cả những trường hợp liên quan để tránh tái nhiễm. Áo quần, chăn, màn, chiếu gối của gia đình phải được giặt với nước đun sôi và phơi nắng hoặc ủi. Những vật dụng không xử lý bằng nhiệt độ cao được thì vệ sinh xong cho vào túi nilong để 5-7 ngày sau mới đem ra sử sụng. Ngoài ra, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ chăm sóc, tư vấn của Điều dưỡng và chế độ điều trị của Bác sĩ.
  Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh Ghẻ ngày càng nhiều không chỉ ở vùng nông thôn mà còn gặp nhiều ở thành thị. Cũng như các căn bệnh ngoài da khác, nếu bệnh nhân phát hiện sớm, khám và điều trị kịp thời, đúng chuyên khoa sẽ giúp bệnh mau lành, đở tốn kém tiền bạc, tránh các biến chứng và hạn chế lây lan cho cộng đồng. Các quan niệm sai lầm và lạc hậu về  bệnh Ghẻ cần được xóa bỏ để cộng đồng có một cuộc sống chất lượng hơn về sức khỏe.
   
Hình ảnh tổn thương mụn nước do ghẻ       Hình ảnh ghẻ soi trên kính hiển vi
Điều dưỡng Huỳnh Thị Nga - Khoa Da BVDL ĐN

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây