Bệnh viện Da Liễu TP.Đà Nẵng

THỦY ĐẬU VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT

Thứ năm - 22/06/2023 22:32
THỦY ĐẬU VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BIẾT
          Vào mùa đông xuân, thời tiết thay đổi thất thường nên người dân rất dễ mắc những bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng, cúm... Chỉ trong gần 3 tháng, Khoa Da Bệnh viện da liễu Đà Nẵng đã tiếp nhận gần tám chục ca bệnh thủy đậu. Thủy đậu tuy là bệnh lành tính nhưng ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ thì dễ có nhiều biến chứng.
          Bệnh thủy đậu do Varicella zoster virus (VZV) gây ra. Thủy đậu là biểu hiện đầu tiên khi cơ thể nhiễm VZV.
          Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu do hít phải các giọt bắn trong không khí từ người bệnh hoặc do tiếp xúc trực tiếp với mụn nước của bệnh nhân thủy đậu hoặc zona ( khả năng lây thấp hơn). Một người bị thủy đậu có thể truyền bệnh cho người khác từ 1 – 2 ngày trước khi phát ban cho đến khi tất cả các tổn thương đóng vảy hoặc không xuất hiện thêm tổn thương mới trong 24g (tính vs những bệnh nhân đã tiêm chủng trước đó).

          Bệnh thủy đậu biểu hiện bằng phát ban và mụn nước cấp tính. Các ban đỏ mụn nước, ban đỏ nổi ở mặt, lưng ngực sau đó lan ra toàn thân kèm ngứa nhiều. Triệu chứng kéo dài 4 – 7 ngày. Với những người đã tiêm phòng thủy đậu hơn 42 ngày thì bệnh thường nhẹ, tổn thương ít, thời gian bệnh ngắn

          Bệnh thủy đậu dễ lây lan rộng trong môi trường tập thể. Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em. Đặc biệt với những phụ nữ mang thai 3 tháng đầu cần theo dõi sát sao. Trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối mang thai, nếu mắc bệnh thủy đậu, thai phụ cần được theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa tránh trường hợp biến chứng sảy thai, thủy đậu sau sinh. Nếu được theo dõi điều trị tốt, bà bầu vẫn sinh con khỏe mạnh như bình thường. Để tránh mắc phải bệnh thủy đậu trong quá trình mang thai, chị em nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh trước khi có thai.
          Bác sĩ khuyến cáo, bệnh thủy đậu có thể ngừa bằng vắc-xin, vì vậy, người lớn và trẻ em chưa mắc bệnh nên tiêm phòng để giảm nguy cơ lây nhiễm. Đặc biệt đối với người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu vẫn có thể tiêm phòng vắc-xin phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Trên thực tế, nếu đã được chủng ngừa vắc-xin thủy đậu thì khả năng phòng bệnh lên tới 80-90%. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ và thường không bị biến chứng.
          Bênh nhân bị thủy đậu nếu có các yếu tố nguy cơ sau:  người suy giảm miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch, phụ nữ mang thai chưa tiêm chủng vaccin thủy đậu, trẻ sinh non, trẻ sơ sinh, … có thể gặp những biến chứng. biến chứng thưởng gặp nhất là nhiễm khuẩn da. Biến chứng nặng: viêm não, viêm phổi do virus, xuất huyết. Biến chứng nặng khác do bội nhiễm vi khuẩn: nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc, viêm cân hoại tử, viêm tủy xương, viêm phổi, viêm khớp nhiễm khuẩn…
          Để tránh các biến chứng trên, bệnh nhân nên đến khám sớm tại Bệnh viện Da Liễu Đà Nẵng, để được bác sĩ chuyên khoa Da liễu tư vấn và điều trị sớm. Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc để bôi ngoài da, dùng thuốc kháng vi rút tùy theo lứa tuổi, cân nặng. Việc chăm sóc bệnh thủy đậu tại nhà rất quan trọng, nhằm tránh biến chứng và để lại sẹo Bệnh nhân không nên áp dụng các biện pháp dân gian tắm bằng nước lá, giữ vệ sinh không đúng cách để các vết loét nhiễm trùng. Nhiều người khi biết mình mắc thủy đậu lại kiêng khem, che chắn quá mức. Thậm chí đến bệnh viện điều trị trong tình trạng toàn thân bịt kín mít, điều này dễ dẫn đến bội nhiễm khiến bệnh lâu khỏi hơn.
 

Nguồn tin: Bs Phạm Vũ Thu Trang - BVDaLieu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây