Zona là gì?
Zona, còn có tên gọi dân gian là bệnh Giời Leo, là bệnh nhiễm trùng da do virus Varicella zoster virus (VZV) gây nên. VZV là một herpesvirus, VZV có thể lây truyền qua nước bọt hoặc lây trực tiếp từ tổn thương da.
Ở người đã mắc thuỷ đậu, sau khi khỏi, virus tồn tại trong các hạch thần kinh cảm giác cạnh cột sống dưới dạng tiềm tàng, im lặng. Khi gặp điều kiện thuận lợi virus sẽ tái hoạt và nhân lên, lan xuống các dây thần kinh cảm giác gây viêm dây thần kinh, đến da và niêm mạc làm xuất hiện thương tổn.
Mắc bệnh zona, làm sao để nhận biết?
- Tiền triệu: cảm giác bất thường trên một vùng da như bỏng, nóng rát, châm chích, tê, đau, dị cảm nhất là về đêm.
- Sau đó nổi thương tổn là mảng đỏ, hơi nề nhẹ, sắp xếp dọc theo đường phân bố thần kinh.
- Trên nền dát đỏ xuất hiện mụn nước, bọng nước tập trung thành đám giống như chùm nho, ban đầu chứa dịch trong, sau hoá mủ hoặc xuất huyết, dập vỡ để lại vết trợt đóng vảy tiết, đôi khi có thể hoại tử.
Vị trí thường gặp: vùng lưng ngực, đầu mặt cổ, mông đùi hoặc khu trú ở vùng niêm mạc miệng, sinh dục, thường chỉ một bên, không vượt quá đường giữa cơ thể và theo đường phân bố một dây thần kinh ngoại biên.
- Viêm thần kinh cấp: đau là triệu chứng hay gặp nhất, đau rát bỏng, âm ỉ tại chỗ hay nặng như kim châm, giật từng cơn.
- Sưng hạch bạch huyết lân cận.
Ai dễ mắc bệnh zona?
Bất kỳ ai đã từng mắc thuỷ đậu đều có thể khới phát bệnh zona, tuy nhiên nguy cơ bệnh nặng hơn ở những người suy giảm miễn dịch (người già yếu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, đái tháo đường, bệnh lý về máu, suy giảm về thần kinh và thể lực), bệnh tự miễn, stress, điều trị tia xạ, ung thư, HIV/AIDS…
Biến chứng của zona là gì?
- Da, niêm mạc: xuất huyết, hoại tử, bội nhiễm
- Zona ở mặt (Zona hạch gối hay hội chứng Ramsay Hunt), do tổn thương hạch gối của dây thần kinh VII. Bệnh nhân liệt mặt một bên, ù tai, nghe kém hoặc mất khả năng nghe, buồn nôn, nôn, chóng mặt và giật nhãn cầu.
- Zona ở mắt có thể gây viêm kết mạc, viêm giác mạc và thậm chí mù lòa.
- Zona tai gây đau tai, liệt mặt, loét trong tai, nổi hạch ở trước và sau tai, xuất huyết, mất thính lực…
- Đau thần kinh sau zona gây ra tình trạng đau dai dẳng trên 3 tháng, thậm chí hàng năm với biểu hiện đau nhạy cảm, rát bỏng, đau âm ỉ hay đau nhói như dao đâm ở vùng tổn thương da đã lành sẹo, nếu không được điều trị sớm có thể gây rối loạn hoạt động thần kinh, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Điều trị bệnh zona như thế nào?
- Để điều trị zona bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc kháng virus, kháng sinh chống nhiễm trùng (nếu có), kháng viêm, giảm đau, các vitamin nhóm B, điều trị tại chỗ ( dung dịch sát khuẩn, kháng sinh, laser năng lượng thấp)
- Giữ cho vùng da bị zona luôn sạch sẽ, không đắp lá cây, các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
- Tuyệt đối không gãi, chà xát và để nước bẩn tiếp xúc với vùng da bị nhiễm bệnh, điều này sẽ làm các mụn nước vỡ ra và gây nên nguy cơ nhiễm trùng rất cao.
- Rửa tay sạch sẽ thường xuyên, đúng cách nhất là trước và sau khi chăm sóc vùng da bị tổn thương, mặc quần áo thoải mái, không bó sát vào vùng da tổn thương.
- Không tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ, nên đi khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa da liễu để chắc chắn nguyên nhân gây bệnh.
Biện pháp phòng ngừa bệnh:
- Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh zona khi cơ thể còn mụn nước
- Tiêm chủng vaccin
- Kiểm soát người cao tuổi có bệnh lý mạn tính, yếu tố nguy cơ cao.
- Chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, tập thể dục để tăng sức đề kháng.
- Khi xuất hiện bệnh cần đến bác sĩ và tuân thủ quy định của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo:
Bộ y tế (2023) Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị các bệnh Da liễu, tr.97-103
Fitzpatrick’s Dermatology 9th edition, pp. 3035-3064
BS. Huỳnh Thị Tâm Hiền (Khoa Da 2)
Chúng tôi trên mạng xã hội