1. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh phong (Leprosy) là một bệnh nhiễm trùng kinh diễn do trực khuẩn Mycobacterium leprae (M.leprae) gây ra. Trực khuẩn phong có ái tính với da và thần kinh ngoại biên nên các tổn thương của bệnh chủ yếu biểu hiện ở hai cơ quan này.
Bệnh phong không gây tử vong, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các tổn thương thần kinh có thể gây hậu quả trầm trọng như dị hình, tàn tật làm cho người bệnh bị kỳ thị, xa lánh. Các tổn thương tàn tật ở bệnh nhân phong phổ biến gồm: loét lỗ đáo lòng bàn chân; cụt rụt ngón tay, ngón chân, người bệnh mất cảm giác, liệt dây thần kinh… khiến chất lượng cuộc sống của họ giảm sút, sinh hoạt hàng ngày khó khăn, thậm chí ngay cả trong ăn uống, vệ sinh cá nhân…
Trong đó loét lỗ đáo là một loại hình tàn tật ở chân, Loét lỗ đáo là vết loét mạn tính xảy ra trên bàn chân mất cảm giác ở người bệnh phong do thương tổn thần kinh chày sau. bao gồm loét lỗ đáo không viêm xương và loét lỗ đáo có viêm xương.
2. CHĂM SÓC LOÉT LỖ ĐÁO
2.1. Cách chăm sóc loét lỗ đáo không viêm xương
a) Làm sạch vết loét:
- Cho bệnh nhân ngồi lên ghế hoặc nằm tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh làm sao thuận tiện cho các thao tác
- Dùng dao mổ cắt bỏ phần dày sừng xung quanh vết loét. Cầm dao sao cho mặt lưỡi dao tạo với mặt phẳng da khoảng 15-20 độ, nhẹ nhàng cắt bỏ phần da dày sừng đến khi nào thấy rỉ máu thì dừng lại
- Dùng thìa nạo, nạo bỏ phần mô chết, tổ chức hạt xấu và tổ chức xơ
- Dùng que thăm dò để xác định lại một lần nữa xem có chạm xương không
- Trong trường hợp vết loét nhỏ, có thể khâu kín vết loét. Băng tổn thương
b) Làm giảm áp lực lên vết loét:
- Nằm nghỉ tại giường
- Thay đổi cách đi, dùng nạn hay xe lăn để di chuyển
- Giày lành sẹo
c) Chăm sóc vết loét: Ngâm chân hằng ngày, rửa vết loét bằng dung dịch sát khuẩn, bôi vết loét bằng mỡ kháng sinh, dầu mù u…
2.2. Cách chăm sóc loét lỗ đáo viêm xương:
Phẫu thuật phù hợp và theo quan điểm điều trị bảo tồn. Sau khi phẫu thuật nạo xương viêm, lấy xương vụn, băng bó chăm sóc hậu phẫu thì việc hướng dẫn người bệnh nghỉ ngơi và sử dụng các phương tiện giảm áp đầy đủ để vết thương nhanh lành sẹo.
3. HƯỚNG DẪN PHÒNG BỆNH
Cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh phong, mỗi người cần chủ động phòng bệnh hơn chữa bệnh
+ Nếu không may mắc bệnh thì cần bình tĩnh, duy trì tinh thần lạc quan để trách ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như lây lan ra cộng đồng và tiến hành điều trị theo phác đồ từ bác sĩ. Trong lúc điều trị người nhà không cần phải cách ly mà vẫn có thể sống cuộc sống hoàn toàn bình thường như tất cả mọi người trong xã hội.
+ Tăng cường tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức để mọi người hiểu rõ bệnh phong, không xa lánh, sợ hãi, tránh kỳ thị.
+ Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ;
+ Ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
+ Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, miệng của bệnh nhân;
+ Rửa tay sạch sẽ sau khi chăm sóc, tiếp xúc với bệnh nhân;
+ Hiểu biết rõ ràng về nguyên nhân, diễn tiến của bệnh;
+ Khi vùng da bị trầy xước của người bình thường tiếp xúc với vùng da bị trầy xước của bệnh nhân phong thì cần rửa tay bằng xà phòng trong vòng 2 phút, trực khuẩn sẽ chết hoặc để ngoài nắng cũng trong vòng hai phút trực khuẩn cũng sẽ chết. Ngoài ra, tắm sạch sẽ hàng ngày cũng là cách để ngăn ngừa bệnh phong.
+ Bệnh phong có thể trị lành, không gây chết người. Khi có nghi ngờ về dấu hiệu của bệnh phong, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị kịp thời để chữa khỏi bệnh, tránh tàn tật.
+ Người bệnh phong đã được điều trị tốt thì khỏi bệnh hoàn toàn và không để di chứng gì, nên có thể trở về cộng đồng như bao người khác; ngay cả khi bệnh đang điều trị cũng không có khả năng lây bệnh nên không cần phải cách ly như một số bệnh truyền nhiễm khác mà vẫn được điều trị tại nhà.
+ Khi hiểu đúng và hiểu đủ về bệnh phong, ta sẽ không còn những thái độ ghê sợ bệnh phong như trước đây, và sẽ phổ biến những kiến thức đó cho người khác để cộng đồng cũng có hiểu biết đúng đắn về bệnh phong./.
ĐD CK1 Lê Thị Kiều Trang
Phòng Điều dưỡng
Chúng tôi trên mạng xã hội