Bệnh viện Da Liễu TP.Đà Nẵng

VIÊM DA DO BỆ NGỒI BỒN CẦU

Thứ ba - 03/12/2024 23:21
VIÊM DA DO BỆ NGỒI BỒN CẦU
     Khi đề cập đến vấn đề này, chắc mọi người trong chúng ta sẽ không khỏi cảm giác buồn cười, vì đây là vấn đề có vẻ rất tế  nhị, nhưng lại tầm thường quá, có cần phải nói đến không…
     Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng hàng ngày, các thầy thuốc chúng ta có ai chưa từng gặp những hình ảnh như thế này khi khám bệnh, và hướng chẩn đoán của chúng ta là gì, xử lý ra sao, tư vấn cho bố mẹ bệnh nhân thế nào đây…




   Vậy, viêm da do bệ ngồi bồn cầu là gì?
Viêm da do bệ ngồi bồn cầu là một tình trạng viêm da khu trú thường xảy ra ở mông và mặt sau trên của đùi, hay gặp ở trẻ em độ tuổi đi học. Trước đây, tình trạng này thường xảy ra do viêm da tiếp xúc dị ứng với gỗ hay vec-ni hoặc các loại sơn gỗ bệ ngồi bồn cầu. Sau này, khi người ta thay các bệ ngồi gỗ bằng nhựa thì tình trạng này giảm đi đáng kể, và gần như bị quên lãng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi mà có sự bùng nổ của các chất tẩy rửa, từ sân đến nền nhà, đến phòng vệ sinh, bồn cầu thì tình trạng bệnh này lại xuất hiện trở lại. Có một điều đáng lưu ý nữa là, những nơi được coi là bẩn nhất thì lại được vệ sinh bằng chất tẩy rửa mạnh nhất, điều đó càng tạo điều kiện để bệnh này tăng cả về độ nặng và số lượng bệnh.
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng các chất tẩy rửa có chứa các hợp chất gây kích ứng cao như hợp chất amoni bậc 4, phenol, hay formaldehyde thì càng dễ gây ra bệnh này hơn.
Về mặt lâm sàng, những trường hợp này khi đến khám, sẽ dễ làm cho các thầy thuốc nhầm với bệnh nấm da vì thương tổn có giới hạn rõ, bờ đa cung, rìa thương tổn có vảy, có mụn nước, ngứa…và còn tái đi tái lại nhiều lần. Như vậy, để có chẩn đoán chính xác, chúng ta nên cho xét nghiệm tìm nấm tại chỗ để loại trừ, và cũng đừng ngạc nhiên nếu kết quả xét nghiệm không tìm thấy nấm.

Để điều trị bệnh, thì như một trường hợp viêm da tiếp xúc kích ứng, chúng ta phải dùng corticoide tại chỗ, sau đó là tacrolimus và dưỡng ẩm; kháng sinh, kháng histamin và cortcoide toàn thân sẽ được cân nhắc cho từng trường hợp.
Và quan trọng nhất là phòng ngừa để tránh tái phát bệnh, các chuyên gia đã đưa ra các lời khuyên hữu ích sau đây:
- Sử dụng giấy lót bồn cầu ở những nơi công cộng, bao gồm cả nhà vệ sinh ở bệnh viện và trường học
- Không sử dụng chất tẩy rửa mạnh được bán tràn lan trên thị trường thường chứa các chất gây kích ứng da mạnh như phenol hoặc formaldehyde, mà thay vào đó bằng hydrogen peroxide cũng hiệu quả và nhẹ nhàng hơn cho da.
- Và thêm một lời khuyên khác nữa, đó là không nên ngồi quá lâu trên bồn cầu.
Như vậy, với một vấn đề có thể coi là không có gì để nói như việc vệ sinh bồn cầu như thế nào đúng cách cũng có thể làm hạn chế được bao nhiêu phiền toái cho các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nhí, là những đối tượng luôn được bố mẹ quan tâm sâu sắc. Nhưng đôi khi sự quan tâm thái quá như việc dùng các chất tẩy rửa thật mạnh để làm giảm bớt nguy cơ gây các bệnh truyền nhiễm từ bồn cầu (theo suy nghĩ của các phụ huynh), thì lại vô tình gây cho con em mình bệnh lý khác cũng không kém phần khó chịu. Và thầy thuốc chúng ta lại phải có trách nhiệm tư vấn cho cộng đồng về vấn đề này để giảm thiểu được các phiền toái trên.

Khoa Khám - BS Trương Hồng Quỳnh Mai
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Catharine Paddock, Ph,D (2010). Toilet seat dermatitis and how to avoid it. MedicalNewsToday.
2. Ivan V Livinov, Paramoo Sugathan, Bernard A Cohen (2010). Recognizing and treating toilet-seat contact dermatitis in children. PubMed.
3.Farheen Begum, CVV Aristha, Maitreyee Panda, Akash Agarwal (2024). Indian Dermatol Online Journal. 616–619
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây