Kem chống nắng (sunblock, sunscreen, sunburn cream, suntan lotion…) là sản phẩm bôi tại chỗ giúp da có thể hấp thụ hay phản xạ lại tia cực tím (Ultraviolet: UV) do đó bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
1. Hiểu về các loại tia UV:
1.1 Tia UVA ( A for Aging ):
-Tia UVA là ánh sáng có bước sóng từ 320-400 nm. Tia UVA bao gồm các tia sóng ngắn UVA-II (320-340 nm), và các tia sóng dài UVA-I (340-400 nm).
-Chiếm thành phần chính trong tia nắng,UVA lên đến 95% các bức xạ UV tới bề mặt của Trái đất. Với cường độ tương đối đồng đều trong tất cả các giờ ban ngày trong suốt cả năm, và có thể thâm nhập vào đám mây, thủy tinh, quần áo...
-UVA thấm sâu vào da sâu hơn UVB, từ lâu đã được biết là đóng một phần quan trọng trong quá trình lão hóa da và nhăn da (lão hóa), nhưng hiện nay các nhà khoa học tin rằng UVA không gây ra thiệt hại đáng kể trong khu vực của lớp biểu bì (ngoài cùng lớp da) mà tác động sâu hơn đến lớp tế bào đáy, nơi mà hầu hết các bệnh ung thư có thể xảy ra.
1.2 Tia UVB ( B for Burning ):
-Tia UVB là ánh sáng có bước sóng từ 290-320 nm. UVB gây cháy nắng và bỏng da do có bước sóng ngắn nên nhiều năng lượng hơn.
-UVB góp phần phát triển bệnh ung thư da, tăng sừng hóa, thúc đẩy lão hóa da, và nặng thêm các bệnh da do ánh sáng hoặc do thuốc. Chiếm 5% lượng bức xạ chiếu xuống trái đất do 1 phần bị tầng Ozone cản lại.
-Cường độ của tia UVB thay đổi theo mùa, vị trí và thời gian trong ngày. Theo như các nghiên cứu thì tia UVB hoạt động chủ yếu từ 10h-16h từ tháng 4 đến tháng 10. Tuy nhiên nó có thể gây bỏng nắng cao hơn nếu tán xạ qua băng, tuyết lên đến 80% ( Mỹ )
-Tia UVB không xuyên qua mây, kính nên không gây tổn thương da khi chúng ta ngồi trong bóng râm, ở trong nhà, trong xe hơi và vào những ngày mưa.
1.3 Tia UVC (C for Cancer):
-Là bức xạ có bước sóng ngắn dao động từ 40nm - 280nm, là loại bức xạ nguy hiểm nhất, gây ung thư da cũng như tạo nên các sản phẩm đột biến, tuy nhiên UVC bị tầng Ozone cản lại hoàn toàn.
2. Các chỉ số chống nắng:
2.1 Chỉ số chống nắng UVB:
-SPF (sun protection factor): chỉ số bảo vệ da chống bỏng nắng (UVB)
-SPF có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng trong bài viết này, tác giả chọn định nghĩa : “ SPF là tỉ lệ thời gian ở da người được thoa kem chống nắng trước khi bị đỏ da so với người không được bảo vệ bôi kem chống nắng “. Ví dụ : SPF 30 bảo vệ da gấp 30 lần so với người không được bôi kem chống nắng, một người bị bỏng nắng sau 10 phút nhưng sẽ được bảo vệ đến 300 phút nếu có bôi kem chống nắng ( 5 tiếng ).
-Tuy nhiên SPF là chỉ số đo lường không hoàn hảo vì không đo được những tác hại lão hóa da hoặc tổn thương không thấy được gây ra do UVA.
-Ngoài ra không phải chỉ số SPF càng cao thì độ chống nắng càng cao. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng SPF 30 bảo vệ được 93 %, SPF 50 bảo vệ 95%, SPF 100 bảo vệ 97%. Như vậy không có chỉ số SPF nào bảo vệ 100% UVB.
-Để kem chống nắng phát huy tối đa hiệu quả thì phải bôi đều một lớp dày 2 mm, điều mà thực tế ít người thực hiện được. Đó là chưa kể lớp kem dễ bị trôi đi do mồ hôi, va quệt… Do đó, tốt nhất nếu ở ngoài nắng liên tục, nên lặp lại kem chống nắng sau 2 tiếng.
2.2 Chỉ số chống nắng UVA :
-PPD (persistent pigment darkening method)
-Hệ thống đánh giá sao (Boots star rating system)
-PA system (the protection of grade UVA) thường được dùng ở châu Á.
-Năm 2012, FDA đã định nghĩa từ “phổ rộng”
(broad spectrum hoặc full spectrum )
3. Các loại kem chống nắng:
3.1 Về bản chất:
-Kem chống nắng hoá học (chemical suncreen) là kem chống nắng có tác dụng hấp thu tia cực tím (UV) , chúng hấp thu năng lượng tia UV trước khi chúng có tác dụng tới da. Các hoạt chất chống nắng hoá học hầu hết là hỗn hợp nhiều chất vì thực chất không có hoạt chất đơn lẻ nào khử toàn phổ của tia UV. Thành phần chính thường gồm các chất sau: Oxygenzone, Avobenzone, Cinoxate, Dioxybenzone… thường trong suốt không màu. Cơ chế hoạt động của kem là hấp thu và phản chiếu tia UV, tuy nhiên đồng thời cũng cho phép một phần tia cực tím hấp thụ vào da.
-Khi dùng kem chống nắng, da không bị cháy nắng ngay lập tức, nhưng nguy cơ lâu dài do phần tia cực tím hấp thụ là khá cao. Ngoài ra, các chất hóa học được sử dụng trong kem chống nắng hóa học có cấu trúc không ổn định nên rất dễ bị biến đổi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ đó làm giảm hiệu quả chống nắng (ví dụ như thời gian chống nắng theo tính toán là 2h, nhưng trong thực tế thời gian này giảm xuống còn 1h).
-Kem chống nắng vật lý (physical suncreen): Có thành phần chính là Titanium Dioxide và Zinc Oxide. Cơ chế hoạt động là phản chiếu ánh sáng, tạo ra tấm màng ngăn cách giữa da và ánh nắng. Hai chất này đều có khả năng chống tia UVA và UVB. Đặc trưng của các loại kem chống nắng này là khi bôi tạo nên hiện tượng nhờn rít, da mặt không tự nhiên.
3.2 Về dạng sử dụng:
-Dạng kem: Là hình thức phổ biến nhất, dễ dùng, độ bám cao.
-Dạng xịt: Đem lại cảm giác dễ chịu do ít gây dính rít, bóng nhờn, nhưng thời gian duy trì tác dụng thường không dài.
-Dạng khăn lau: Chất chống nắng được tẩm sẵn trong khăn giấy ướt, rất thuận tiện, giúp bạn thoa nhanh, cả ở những vùng khó như gáy và lưng. Nhược điểm của nó là tính bảo vệ không cao.
-Nếu đi bơi hay tắm biển, nên chọn loại kem chống thấm nước, chống trôi (có chữ water-resistant hoặc tốt hơn là waterproof). Thường trên các sản phẩm này có ghi thời gian chịu nước trong bao lâu.
-Nhiều loại mỹ phẩm như kem dưỡng ngày, phấn nền, son môi, dưỡng thể… vẫn có thành phần chống nắng, nhưng chỉ số không cao. Mặt khác, với những mỹ phẩm này, thường chỉ thoa lên mặt một lớp rất mỏng nên khả năng bảo vệ trước tia cực tím không đáng kể. Do đó, nếu không có một lớp kem chống nắng riêng, nên hổ trợ thêm các phương pháp bảo vệ khác ( nón rộng vành, kính râm , áo chống nắng …)
4. Những lưu ý khi sử dụng kem chống nắng:
-Sử dụng kem chống nắng vào bất cứ lúc nào ban ngày “có tia sáng”, bất kể trong nhà, trời âm u, mưa… vì lúc nào cũng có hiện diện của tia UV mặc dù ta không thấy ánh nắng. Đặc biệt trong khoảng thời gian 10h sáng tới 16h.
-Khi sử dụng mỹ phẩm có chỉ số chống nắng thì chỉ số SPF KHÔNG được cộng dồn lại với nhau khi thoa hai loại kem chống nắng mà chỉ lấy SPF của loại cao nhất. Ví dụ thoa kem nền có chỉ số là SPF17 trong khi phấn phủ là SPF20 thì chỉ số chống nắng cho da lúc đó là 20.
-Bất cứ loại kem chống nắng nào cũng mất từ 20-30 phút để hoàn toàn thẩm thấu và tạo ra bức tường ngăn chặn
tia tử ngoại. Để đạt hiệu quả chống nắng tốt nhất, nên thoa kem chống nắng 20 phút trước khi ra nắng
.
-Nên thoa kem chống nắng lại sau mỗi 2h nếu liên tục ở ngoài trời. Đặc biệt khi đi bơi hay hoạt động tiếp xúc nước nhiều, hãy dùng loại chống nắng chuyên dụng (có chữ water-resistant hoặc tốt hơn là waterproof). Và ngay cả với những sản phẩm này, vẫn nên thoa lại sau vài tiếng đồng hồ.
-
Hãy phối hợp thêm những biện pháp khác như đội mũ rộng vành, đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng... và không nên ở ngoài nắng quá lâu nếu không cần thiết.
-Hấp thụ Vitamin D một cách hợp lý: Vitamin D tăng cường sự khoẻ mạnh của xương và hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư ngực, thận,…và điều tiết ít nhất 1,000 gen khác nhau trong mỗi mô của cơ thể bạn. Hiệp Hội Y học Mỹ khuyên rằng: 10 phút tắm nắng vài lần/tuần sẽ là liều vitamin D cần thiết. Vitamin D rất quan trọng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Nhưng đó không phải là lý do để phơi nắng trực tiếp từ mặt trời. Thay vào đó, hấp thụ lượng viamin D hàng ngày thông qua chế độ ăn từ sữa, nước cam ép hay các loại cá hoặc các sản phẩm chức năng (dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ). Lượng vitamin D cần thiết là 1,000-2,000 IU mỗi ngày và khoảng 10-15 phút tắm nắng là đủ để hấp thụ vitamin D hằng ngày (thời gian từ 8h- 10h sáng).
• Nguồn : Clinical Guide to Sunscreens and Photoprotection by Henry W. Lim and Zoe Diana Draelos
• aad.org/media/stats/prevention-and-care/sunscreen
•
www.skincancer.org/prevention
•
www.medicinenet.com
• www.fda.gov/ForConsumers/ConsumerUp-dates/ucm258416
Chúng tôi trên mạng xã hội