Bệnh viện Da Liễu TP.Đà Nẵng

LÃO HÓA DA VÀ THUỐC LÁ

Thứ tư - 03/06/2015 22:27

LÃO HÓA DA VÀ THUỐC LÁ

           Lão hóa da là một tiến trình tự nhiên của cơ thể, gồm lão hóa da nội sinh và lão hóa da ngoại sinh. Hiện nay Y học hiện đại có rất nhiều phương pháp nhằm kéo dài tuổi thanh xuân, tuy vậy lão hóa da nội sinh là không thể tránh khỏi, quá trình này phản ánh sự thay đổi về mặt di truyền của mỗi người theo thời gian. Lão hóa da ngoại sinh chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố như ánh nắng, dinh dưỡng, thuốc lá hay rượu, mà hầu hết những tác nhân đó đều có thể ngăn ngừa tối đa.
          Hiện nay, hút thuốc lá trở thành một vấn nạn về sức khỏe Y tế toàn cầu, theo báo cáo của JAMA về tình hình hút thuốc ở 187 quốc gia, vào năm 2014, số người tử vong hàng năm do các bệnh lý liên quan đến thuốc lá đạt xấp xỉ 5,7 triệu. Tại Việt Nam, toàn quốc có hơn 15 triệu người hút thuốc, chưa kể số lượng lớn người chịu ảnh hưởng thụ động do thuốc. Tác hại của thuốc lá với các bệnh lý nội khoa như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh mạch vành …hay ung thư đã được hiểu biết từ lâu. Mặt khác, khoảng hai thập kỷ trở lại đây, các nghiên cứu dịch tể học đã cho thấy những người hút thuốc lá thường có khuôn mặt lão hóa điển hình. Người ta đã quan sát được mối liên quan giữa hút thuốc và tình trạng lão hóa da từ năm 1856. Từ đó cho đến nay có rất ít nghiên cứu về vấn đề này. Song, khi mà đời sống vật chất được cải thiện, con người dường như quan tâm nhiều hơn đến diện mạo bên ngoài thì vấn đề chống lão hóa da mới trở nên bức thiết. Khoảng thời gian từ năm 1990 đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu về cơ chế gây lão hóa da do thuốc lá. Các nhà khoa học đã chứng minh trong thuốc lá có hơn 1500 chất gây ảnh hưởng đến cơ thể, trong đó nổi bật là các hydrocacbon thơm đa vòng như benzo [a] pyrene (BaP) và chất nitrosamine như 4 (methylnitrosamino) -1 (3-pyridyl) -1-butanone (NNK). Đây là những hoạt chất sinh ung thư, làm tăng sản xuất nhiều cytokine gây viêm như TNF-α, IL-1, IL-6, IL-8, GM-CSF và giảm nồng độ các cytokine chống viêm như IL-10, ngoài ra chúng còn thay đổi chức năng của da cũng như góp phần làm trầm trọng các bệnh da miễn dịch. Cụ thể, lượng nước ở lớp sừng giảm nhiều ở những người hút thuốc do tác động gây lợi niệu của nicotin. Bên cạnh đó, vai trò của MMPs (matrix metalloproteinase – một endopeptidase gồm hơn 25 loại, có vai trò cần thiết trong nhiều quá trình sinh học bình thường của cơ thể, trong đó có cả việc phá hủy các mô, thường bị kích hoạt do tiếp xúc với tia UV hoặc do viêm sưng, MMPs góp phần vào việc phân hủy collagen, đồng thời ức chế sự tổng hợp hình thành collagen mới) trong lão hóa da sớm do thuốc lá được chứng minh tương đương như do tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên. Mức MMP-1 mRNA tăng đáng kể ở những người hút thuốc, và những MMPs khác có thể cũng liên quan bởi vì các sợi đàn hồi trong da của những người hút thuốc mà không tiếp xúc ánh nắng xuất hiện dày hơn và bị phân mảnh hơn so với da của nhóm người không hút thuốc.
          Những thay đổi về mô bệnh học trong da lão hóa do thuốc lá hay do ánh năng thì giống nhau, mặc dù hút thuốc gây biến đổi sâu lớp võng trung bì (trung bì lưới) còn tia UV gây tổn hại nhú trung bì. Ngoài mức MMPs tăng rõ rệt thì còn rất nhiều thay đổi liên quan đến chuyển hóa khác do thuốc lá cũng được quan sát:
+ Tình trạng giảm độ ẩm thượng bì cũng như nồng độ vitamin A (có khả năng trung hòa các gốc tự do làm chậm quá trình lão hóa).
+  Làm giảm dòng chảy mao và động mạch dẫn đến thiếu máu cục bộ trên da.
+ Lượng máu ít ỏi đó cung cấp lượng chất dinh dưỡng và oxy cho da nghèo nàn đồng thời gia tăng sản sinh các chất thải độc hại có thể làm tổn hại da.
+ Thuốc làm chậm lành vết thương và trước khi thực hiện bất kỳ phẫu thuật thẩm mỹ nào bệnh nhân phải được khuyên ngừng hút thuốc (điều này đặc biệt quan trọng trong thủ thuật nâng cơ mặt, bào da hay laser tái tạo da vì một nguồn cung cấp máu tốt cho da là rất quan trọng để có kết quả tốt).
+ Những người hút thuốc làm da tăng tiếp xúc với nguồn nhiệt liên tục (giống như tác động của bức xạ hồng ngoại ở những người phơi nắng), điều này gây tăng số lượng và độ dày của sợi đàn hồi dẫn đến tình trạng elastosis ở da tiếp xúc.
          Biểu hiện da ở người hút thuốc lá nhiều gồm:
+ "Da thuốc lá": nhiều nếp nhăn trên mặt (đặc biệt quanh miệng), sắc da đỏ/cam, không đều màu, vẻ mặt nhợt nhạt, hốc hác.
+ Biểu hiện già trước tuổi cũng là một triệu chứng điển hình của việc hút thuốc lâu ngày.
+ Da dày, có màu vàng (các ngón tay cũng ố vàng) bất thường do sự phân hủy các sợi đàn hồi của da (Boyd et al.).
+ Tóc bạc sớm hoặc rụng tóc do cường androgen cũng được quan sát thấy ở người nghiện thuốc lá.
+ Gia tăng tỷ lệ các tổn thương tiền ung thư và ung thư biểu mô tế bào vảy ở môi và niêm mạc miệng, cũng như vasospasms và suy thoái trong các động mạch lớn và microvasculature.
          Nếp nhăn mặt và mối liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD):
          Hút thuốc cũng là yếu tố nguy cơ chủ yếu của COPD, tuy vậy không phải ai hút thuốc cũng bị COPD. Vì vậy, người ta tin rằng những người bị COPD có tính nhạy cảm di truyền bởi khói thuốc lá. Năm 2006, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người hút thuốc có nhiều nếp nhăn mặt thường đi kèm bệnh COPD. Mức collagen và elastin ảnh hưởng đến cả nếp nhăn mặt và COPD, do đó, hai vấn đề này có thể có cùng cơ chế hay yếu tố di truyền. Nhận định trên đã gợi ý việc tầm soát COPD ở những người hút thuốc có khuôn mặt với nhiều nếp nhăn.
         Giải pháp điều trị lão hóa da do thuốc lá
          Điều quan trọng nhất là giảm dần đến bỏ hoàn toàn thuốc lá (có thể sử dụng miếng dán hay gôm chứa nicotin), hoặc thuốc uống chống trầm cảm.
          Dùng thuốc thoa chứa retinoid
          Sử dụng chất làm đầy (Juvéderm, Restylane…) hay tiêm một lượng rất nhỏ botulinum toxin.
          Dùng laser tái tạo hay thủ thuật bào da (dermabrasion)
         Tóm lại, việc hút thuốc lá là một trong hai yếu tố quan trọng nhất dẫn đến lão hóa da ngoại sinh (bên cạnh tia UV). Tuy đã có rất nhiều phương pháp  hiện đại điều trị lão hóa da, nhưng lão hóa sẽ sớm trở lại nếu người bệnh không nhận thức tác hại của thuốc lá và tự mình quyết tâm từ bỏ thói quen đó.


Tài liệu tham khảo:
1. Arnson Y, Shoenfeld et al (2010): Effects of tobacco smoke on immunity, inflammation and autoimmunity, J Autoimmun 2010 May;34(3):J258-65.
2. Leslie Baumann, Sogol Saghri (2009): Photoaging, Cosmetic Dermatology, 2nd edition, McGraw-Hill.
3. Leslie Baumann, Sogol Saghri (2009): Cigarettes and Aging skin, Cosmetic Dermatology, 2nd edition, McGraw-Hill.
 
 


 

Tác giả bài viết: BS Hà Nguyên Phương Anh - Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây