Mang thai là thiên chức thiêng liêng của một người phụ nữ, phải nói rằng, khi mang thai là lúc người phụ nữ đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Tất nhiên, cảm nhận của mỗi người là khác nhau. Bởi vì khi đó phụ nữ đối mặt với nhiều vấn đề như da thay đổi, hormone thay đổi, cơ thể thay đổi, bề ngoài thay đổi,… chưa kể nhiều vấn đề khác. Trong đó có nám da. Trong nhiều buổi tư vấn, chúng tôi luôn nhận được những câu hỏi như là phụ nữ mang thai có điều trị nám được không? Có nên chờ sinh con xong rồi điều trị hay không? Chờ lâu như vậy có làm quá trình điều trị khó khăn hơn không?
Chúng ta nên biết rằng điều trị nám không hề đơn giản vì khả năng tái phát cũng như quá trình điều trị lâu dài. Khi phụ nữ mang thai, liệu trình điều trị nào là phù hợp? Thông thường chúng tôi sẽ tư vấn cho từng trường hợp cụ thể, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mỗi khách hàng khác nhau để đưa ra liệu trình phù hợp nhất. Trong trường hợp có thai, tuỳ giai đoạn mang thai, tuỳ tình trạng lâm sàng mà có hướng điều trị khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến những hoạt chất có thể sử dụng dùng ngoài da cho phụ nữ mang thai khi có mong muốn điều trị nám
- Azelaic acid
Đây là một hợp chất hữu cơ (acid dicarboxylic), thường được biết đến là một hoạt chất trị mụn với khả năng giảm viêm, giảm tạo nút sừng. Đồng thời azelaic acid có khả năng enzyme tyrosinase mạnh mẽ, đây là enzyme quan trọng trong sản xuất melanin. Trong các nghiên cứu, với nồng độ 15-20% azelaic acid có tác dụng tương đương hydroquinone 4%. Và quan trọng hơn là tính an toàn của hoạt chất này khi sử dụng trên phụ nữ mang thai.
- Alpha hydroxy acid
AHAs (alpha hydroxy acid) là tên gọi chung của các acid hữu cơ (acid lactic, acid glycolic, acid citric…) với công dụng giảm mụn, giảm tổn thương da do ánh sáng, giảm sắc tố da, chống oxy hóa, làm đồng đều màu da, giảm sần da nhờ cơ chế bong tróc thượng bì, điều hòa sừng hóa thượng bì, tiêu nhân mụn.
Nồng độ từ 2%-70%, nồng độ càng cao ảnh hưởng lên da càng lớn, những sản phẩm có nồng độ dưới 10% có thể lưu hành tự do, những sản phẩm có nồng độ lớn hơn phải được giám sát hoặc sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa.
- Vitamin C
Vitamin C đã quá nổi tiếng là hoạt chất chống oxy hoá mạnh mẽ và tác dụng làm sáng da. Vitamin C có tác dụng khống chế sự oxy hoá ở các tế bào, bảo vệ và hạn chế tới mức thấp nhất sự ảnh hưởng của tia cực tím, từ đó ngăn ngừa sự lão hoá của da, thúc đẩy quá trình tái sinh của các tổ chức tế bào. Ngoài ra vitamin C còn giúp da phục hồi tính đàn hồi, phòng ngừa nếp nhăn xuất hiện, ngăn ngừa và làm mờ các vết tăng sắc tố, làm cho da sáng khỏe.
- Niacinamide
Niacinamide (Vitamin B3) là hoạt chất đang được quan tâm hiện nay với khả năng phong phú như giảm viêm, kiểm soát bả nhờn trong điều trị mụn trứng cá, chống oxy hoá, làm sáng da. Khả năng làm trắng và sang da không quá mạnh mẽ nên thường được phối hợp với các hoạt chất khác để điều trị nám.
- Arbutin
Là hoạt chất làm sáng da an toàn và hiệu quả được FDA công nhận. Arbutin có nguồn gốc từ thực vật và hoá học với hai dạng alpha và beta, dạng alpha có mức độ ổn định và hiệu quả sử dụng cao hơn dạng beta. Tác dụng của arbutin trong điều trị nám là khả năng ức chế quá trình oxy hóa của L-tyrosine (hoạt động monophenolase) được xúc tác bởi men tyrosinase và chống lại hoạt động liên kết trong tyrosinase.
Trên đây là một số hoạt chất an toàn cho phụ nữ mang thai có mong muốn điều trị nám. Mặc dù được công nhận là an toàn tuy nhiên tuỳ theo tính chất lâm sàng, mục đích sử dụng, liều lượng, nồng độ của hoạt chất, cơ địa của mỗi người khác nhau mà có thể có các phản ứng hoặc tác dụng phụ không mong muốn. Trong điều trị nám các bác sĩ thường phối hợp nhiều phương pháp khác nhau trên từng cơ địa người bệnh khác nhau, đối với phụ nữ mang thai, chúng tôi luôn lắng nghe nguyện vọng và nhu cầu điều trị để lựa chọng phương pháp tối ưu nhất nhưng vẫn an toàn cho mẹ và bé. Vì vậy, các bạn nên đến gặp trực tiếp bác sĩ để có những lời khuyên hữu ích nhất.
Bs Ck1 Võ Hồng Hà
Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ
Tài liệu tham khảo
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2807702/
- https://www.medicinenet.com/melasma/article.htm
- https://www.healthline.com/health/pregnancy/melasma-pregnancy
- Color atlats of cosmetic dermatology, Zeina Tannous et al, Mc Graw Hill, 2009
Chúng tôi trên mạng xã hội