Mụn trứng cá là tình trạng bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên và người trưởng thành. Và Sẹo là di chứng thường gặp (khoảng 90%) ở bệnh nhân mụn trứng cá, tỉ lệ ngang nhau ở nam và nữ. Điều này gây nên nhiều phiền muộn đến tâm lý người bệnh, đặc biệt là các bạn nữ. Hãy cùng bác sĩ tìm hiểu một số loại sẹo mụn mà các bạn hay gặp và những phương pháp điều trị sẹo mới nhất trong nội dung dưới đây:
- Phân loại sẹo trứng cá:
Sẹo do mụn trứng cá chia làm 2 loại chính: sẹo lõm xuống do mất collagen (loại này chiếm tỉ lệ cao khoảng 80-90 %) gọi là sẹo lõm, sẹo gồ cao lên do tăng sinh collagen quá mức hay là sẹo lồi hoặc sẹo phì đại.
Trong bài viết sẽ chủ yếu đề cập đến sẹo lõm do mụn trứng cá (sẹo mụn) và các phương pháp điều trị mới nhất hiện nay.
Dựa trên hình dáng mà sẹo mụn được chia ra làm 3 loại:
1. Sẹo đáy nhọn (ice pick scar): chiếm 60-70 %, sẹo có đường kính nhỏ, hẹp dần về phía đáy, tạo nên hình chữ V
2. Sẹo đáy vuông (boxcar): hay còn gọi là sẹo hình chữ “U” chiếm 20-30 %, đường kính sẹo từ 1,5-4mm, từ hình tròn đến hình oval, với thành bên thẳng đứng, mức độ sẹo có thể từ nông đến sâu.
3. Sẹo đáy tròn (rolling scar): chiếm 15-25%, đường kính sẹo lớn từ 4-5mm, tạo ra hình dạng như sóng lượn trên bề mặt da, hay còn gọi là hình chữ “M”.
Thật không may khi có thể có nhiều loại sẹo trên cùng bệnh nhân và đôi khi cũng khó phân biệt chúng với nhau!
II. Các phương pháp điều trị sẹo mụn:
1. Thuốc bôi giúp điều trị sẹo mụn:
Đa số các bệnh nhân tìm tới bác sĩ da liễu để xin thuốc bôi điều trị sẹo mụn. Có nhiều loại hoạt chất có thể làm giảm sẹo mụn như retinol, glycolic acid, benzoyl peroxid, phối hợp với adapalen. Và một số hoạt chất làm giảm thâm mụn như hydroquinone, kojic acid, nicotinamide, hay vitamin C, … Trong một vài trường hợp trứng cá nặng, các bác sĩ có thể sử dụng một liệu trình ngắn với kem bôi steroid.
2. Điều trị sẹo mụn với các phương pháp thẩm mỹ mới hiện nay:
- Thay da sinh học (chemical peel): được hiểu như là việc “lột da” bằng các hoạt chất hóa học nhằm loại bỏ lớp da tổn thương bên ngoài để thúc đẩy tái tạo lớp da mới. Cảm nhận sau khi peel da là lớp da mới sáng mịn, sẹo mụn mờ dần. Tuy nhiên, đối với một vài làn da nhạy cảm có thể ban đỏ, đau rát, bong tróc sau mỗi liệu trình.
- Vi mài da/Mài da ( Microdermabrasion/Dermabrasion): hay là Tái tạo bề mặt da bằng “cơ học”. Bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ như là máy mài tiếp xúc trực tiếp với bề mặt da để loại bỏ lớp da cần điều trị. Đây là phương pháp điều trị sẹo mụn hiệu quả, kể cả sẹo lõm lẫn sẹo phì đại. Đối với sẹo lõm, bờ sẹo sẽ được mài mờ và trơn láng, tạo cấu trúc đồng nhất với da xung quanh. Đối với sẹo phì đại, phần sẹo nhô cao sẽ được mài bằng phẳng lại. Tuy nhiên đây là một thủ thuật khó và có nhiều nguy cơ biến chứng.
- Lăn kim/ Phi kim (Dermarolling/Microneeding): là phương pháp điều trị sẹo bằng cơ chế làm lành và tự phục hồi của cơ thể. Những tổn thương do lăn kim/phi kim gây ra sẽ giải phóng các yếu tố tăng trưởng, kích thích sản xuất collagen và elastin mới lấp đầy phần thiếu hụt. Lăn kim và phi kim khác nhau ở dụng cụ và kích cỡ đầu kim.
- Lăn kim: sử dụng một cây lăn trên bề mặt có gắn nhiều kim nhỏ và di chuyển thủ công trên bề mặt da. Độ nông sâu sẽ tùy thuộc vào tay người lăn.
- Phi kim: tiên tiến hơn lăn kim vì sử dụng một chiếc máy có gắn đầu kim với nhiều kim có kích thước nano (siêu nhỏ). Người dùng có thể tùy chỉnh độ nông sâu, lực mạnh yếu tùy thuộc vào tình trạng vùng da cần điều trị, để giảm thiểu những tổn thương không đáng có ở những vùng da khác giống như lăn kim. Ngoài ra, hiện nay máy phi kim còn được tích hợp thêm công nghệ sóng RF giúp tái tạo mạnh mẽ hơn đồng thời làm săn chắc da, se khít lỗ chân lông.
Ưu điểm của phương pháp này là xâm lấn tối thiểu, thời gian nghỉ dưỡng ngắn. Tuy nhiên, muốn hiệu quả cần phải lặp lại nhiều lần.
- Laser công nghệ cao trong điều trị sẹo mụn bao gồm loại laser vi điểm xâm lấn và laser vi điểm không xâm lấn. Cả 2 loại này đều mang lại hiệu quả trong điều trị sẹo mụn. Laser vi điểm xâm lấn tạo ra các cột tổn thương vi điểm. Bằng cách này, các cột tế bào không bị đốt vẫn còn nguyên vẹn và những cột da không loại bỏ sẽ giúp tái tạo da mới, cải thiện và làm đầy mô sẹo. Laser không xâm lấn không làm bóc tách da, thay vào đó làm nóng vùng da bên dưới và kích thích cơ chế tự sửa chữa để da tự tái tạo lại. Sau laser da thường đỏ và cần phải tránh nắng nghiêm ngặt. Để hiệu quả cần lặp lại nhiều lần, thường sẽ mất 5-7 ngày để lành hoàn toàn.
- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là phần huyết tương tự thân cô đặc chứa nồng độ tiểu cầu cao gấp nhiều lần máu bình thường và hàng chục các yếu tố tăng trưởng có vai trò quan trọng đối với quá trình lành vết thương. ( xem thêm bài: http://dalieudanang.com/index.php/vi/news/Cham-soc-da-tham-my/TAI-TAO-TRE-HOA-DA-TOAN-DIEN-VOI-PRP-260/)
- Tách đáy sẹo: kỹ thuật này dùng một kim sắc đâm qua da bên dưới sẹo, cắt đứt những dải xơ dính của sẹo lõm, giúp nâng sẹo lên.
- Tiêm chất làm đầy HA (Hyaluronic acid) hoặc mỡ tự thân: nhờ đặc tính ưa nước cao nên HA khi tiêm vào bên dưới đáy sẹo có thể tăng thể tích giúp lấp đầy khoang trống bên dưới. Ngoài ra HA hoặc mỡ tự thân còn kích thích tăng sinh chất nền xung quanh, cải thiện bề mặt da
Làm thế nào để điều trị sẹo mụn hiệu quả?
Quan điểm hiện nay là không sử dụng đơn trị liệu trong điều trị sẹo mụn vì hiện diện nhiều loại sẹo khác nhau trên cùng một bệnh nhân và tình trạng da của mỗi người là khác nhau. Bạn cần thảo luận với bác sĩ da liễu để có phác đồ điều trị thích hợp. Một số phương pháp sẽ có tác dụng phụ và chế độ chăm sóc kỹ lưỡng. Chìa khóa của sự thành công trong cải thiện sẹo mụn đó là sự kiên nhẫn bạn nhé!
Chúng tôi trên mạng xã hội