Trong thời kỳ bùng nổ của ngành công nghiệp làm đẹp, bệnh viện Da liễu Đà Nẵng cũng đứng trước nhiều thách thức. Vừa cập nhật kiến thức để phát triển theo kịp thời đại, vừa đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong điều trị, lại vừa là nơi xử lý các biến chứng về thẩm mỹ nội ngoại khoa đến từ các phòng khám và thẩm mỹ trong toàn khu vực. Trong vòng 6 tháng cuối năm 2022, chúng tôi đã nhận được rất nhiều các trường hợp bị biến chứng khi điều trị thẩm mỹ trong các lĩnh vực: laser, lăn kim, peel da, tiêm mesotherapy, tiêm chất làm đầy ( filler) và mới hơn hết là tiêm thuốc giải chất làm đầy ( filler).
Có thể nói trong giai đoạn hiện nay, tiêm chất làm đầy là một thủ thuật rất được ưa chuộng bởi việc giúp trẻ hóa nhanh chóng, hiệu quả ngay từ ban đầu, hơn nữa hiện nay giới trẻ cũng bảo nhau về việc tiêm filler đã có thuốc giải làm tan filler nên không sợ biến chứng. Điều này hoàn toàn sai lầm bởi thuốc giải không phải là thần dược, cũng không phải là thuốc có thể sử dụng bừa bãi và không đúng liều lượng. Hơn thế nữa, thuốc tan filler lại chưa được Bộ Y Tế Việt Nam cấp phép nên việc sử dụng cũng cần được theo dõi, đánh giá và nghiên cứu thêm.
Thuốc giải tan filler là gì?
Hyaluronidase là các enzyme (endoglycosidases) có thể phá vỡ liên kết và phân hủy hyaluronic acid thông qua việc thủy phân các disaccarit tại hexosaminidic β-1 qua các liên kết β-4. Đây là sản phẩm được sử dụng để làm tan filler phổ biến nhất hiện nay. Hyaluronidase được cấp phép lưu hành rộng rãi nhưng cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên để có thể tiêm giải filler với Hyaluronidase bạn cần chắc chắn rằng mình đã được tiêm loại filler nào trước đó. Trên thực tế filler được chia thành nhiều dạng khác nhau. Và Hyaluronidase chỉ có tác dụng với filler tạm thời có thành phần là hyaluronic acid.
Trong trường hợp bạn được tiêm filler bán bền vững với thành phần khác thì tiêm giải filler sẽ không có hiệu quả. Cần tránh với các trường hợp sau:
- Filler bán bền vững có thành phần chủ yếu là poly- L-lactic acid và Calcium hydroxyapatite
- Filler loại bền vững với thành phần polymethylmethacrylate, silicone. Dạng này bắt buộc phải nạo filler nếu xảy ra biến chứng khi tiêm.
Như vậy là chúng ta có thể tiêm giải filler hay không sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Và tất nhiên bạn không được tự ý mua Hyaluronidase để tiêm tại nhà bởi kỹ thuật tiêm giải filler tương đối phức tạp. Nếu tiêm sai lớp, tiêm không đúng vị trí thì filler sẽ không thể tan hết và gây lãng phí rất nhiều về tài chính. Ngoài ra, khi tiêm giải filler còn có nguy cơ gây ra dị ứng, nặng hơn có thể gây sốc phản vệ. Nếu bạn tiến hành ở các cơ sở không có bác sĩ cấp cứu thì vẫn có nguy cơ cao gây ảnh hưởng tới tính mạng.
Chúng tôi trên mạng xã hội