Bệnh viện Da Liễu TP.Đà Nẵng

Mưa mùa Hạ

Thứ ba - 19/05/2015 03:19

Mưa mùa Hạ

          Thế là những tiếng lộp độp trên mái nhà báo hiệu mùa hè đang đến rồi đấy. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác nằm trong nhà hóng nghe tiếng mưa ngoài kia. Cơn mưa nặng hạt trút xuống như bị ai kìm hãm bấy lâu. Một trận mưa đầu mùa  chợt đến không báo trước làm thức dậy bao ký ức tuổi thơ tôi.
          Quê tôi là một ngôi làng nhỏ nằm khép mình bên những triền núi thấp. Quê nghèo và lam lũ. Chính cái nghèo khó nên bệnh tật đến với con người cũng là lẽ hiển nhiên. Mỗi khi hạ về, miền đất trung du này lại có những trận mưa rào. Cơn mưa chợt đến chợt đi như lẽ thường tình của cuộc sống vậy, cũng buồn, cũng vui, cũng khắc khoải như lòng người. Mưa mang về tưới mát cho vạn vật, cuốn trôi những mệt mỏi, giúp cuộc sống tái sinh nhưng mưa không thể đẩy đi cái nghèo cái khó, dội rửa những bệnh tật cho con người nơi đây. Nghèo khó - bệnh tật như cái vòng lẩn quẩn đeo bám người dân quê tôi. Xót xa là thế nhưng tôi không thể làm được gì khi bản thân cơm ăn còn chưa no, co còn chưa ấm...
          Tôi lớn lên qua bao mùa mưa hạ như thế...
       Tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi bước vào nghề điều dưỡng rất tình cờ. Phải chăng là cái duyên ? Cái duyên đưa tôi đến với một trong những  "bát khổ" của con người đó chính là " bệnh khổ". Cha mẹ cho tôi một trái tim đầy nhiệt huyết, một tấm lòng bao dung và tình yêu thương đồng loại. Thầy cô cho tôi những bài giảng, những kiến thức, những kỹ thuật, quy trình một cách chi tiết đến tỉ mỉ. Từ khi bước vào nghề, tôi nhận thức được rằng nghề điều dưỡng là nghề làm dâu trăm họ. Bởi đối tượng mà chúng tôi tiếp xúc đó là những người bệnh không ai giống ai từ hoàn cảnh, suy nghĩ, thái độ đến tính cách, mỗi người có mỗi phản ứng riêng trước bệnh tật của mình.
         Tôi nhớ mãi khi mới về công tác tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng. Bệnh nhân đến với chúng tôi không phải là những cơn đau đầu, đau bụng  hay những vết thương,...  Họ đến với chúng tôi với những vết trợt lở, những mảng da rỉ dịch có mùi tanh tanh, những khuôn mặt nhăn nhó, dễ cấu ghét khi trong người đang mang  mầm bệnh. Chúng tôi là những người thầy thuốc không những chữa bệnh lý mà còn chữa tâm lý. Ngoài việc chữa trị bằng thuốc, những cử chỉ chăm sóc, những ánh mắt nụ cười đã cảm hóa được người bệnh, niềm vui được nhân lên khi những mảng da được điều trị lành lặn, trơn láng; nụ cười trên môi của người bệnh là niềm hạnh phúc vô bờ của chúng tôi. 
          "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui", niềm vui len lỏi những khó khăn, nhọc nhằn trong công việc. Niềm vui được nhìn thấy bệnh nhân tiến triễn tốt qua từng ngày. Và niềm vui còn được tìm thấy ở sự đồng cảm của những người luôn hy sinh thầm lặng vì những nỗi đau, bệnh tật của con người.
Ngày lại qua ngày, mỗi buổi sáng khoác lên người chiếc áo blouse, tôi như khoác lên cả một sứ mệnh. Một sứ mệnh cao cả là được phục vụ bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cho nhân loại.
          Tấm lòng của thầy thuốc đối với bệnh nhân vô bờ bến. Tuy vậy thầy thuốc cũng đành bất lực với những căn bệnh không thể chữa khỏi. Nhìn những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối nằm heo hắt qua ngày tôi không khỏi xót xa, nhìn cảnh mẹ già ngồi chăm con trong những đêm mưa tôi không khỏi bùi ngùi. Tôi ví căn bệnh này giống như "dậu đổ bìm leo". Khi sức đề kháng con người suy giảm thì những bệnh nhiễm trùng cơ hội lại ập đến. Tôi thiết nghĩ khi nền y học còn hạn chế thì cuộc chiến giữa thầy thuốc với thần chết vẫn còn là cuộc chiến không cân sức. Chúng tôi là những người điều dưỡng chỉ biết  ngày ngày chăm sóc, vỗ về và đồng hành với những nỗi đau của người bệnh bất kể ngày đêm, để khi ai nào đó, phải rời xa cuộc sống này, họ được thỏa mãn ấm áp trong tình yêu thương.
          Tôi miên man suy nghĩ, không hiểu sao mỗi khi nhìn thấy mưa rơi lại gợi cho tôi biết bao điều. Mưa có lúc như vui, có lúc như buồn, có lúc như nức nở. Mưa  khơi dậy những kỷ niệm  trong nghề mà tôi đã gắn bó suốt chục năm qua.
          Ngoài trời mưa đã tạnh, những hạt mưa cuối cùng còn đọng lại trên những chồi non xanh mướt, lấp lánh dưới ánh điện lờ mờ. Cơn mưa bất chợt vội đến vội đi đã để lại cho tôi những khoảng lặng... Chúng tôi, những thầy thuốc rất cần một tấm lòng, không phải để gió cuốn đi mà để giữ lại để sẻ chia, đồng cảm. Dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tạo hóa không ai có thể cưỡng lại được nhưng chúng tôi luôn là những bông hoa mang đến mùa xuân, những con én nhỏ gọi mùa xuân về  và luôn sẵn sàng đón chào một ngày mới. Một ngày mới bắt đầu với tất cả những người bệnh đến với chúng tôi.
 

Tác giả bài viết: ĐD Đoàn Thị Thanh Hải- Khoa khám- BVDLDN

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây