Nghề Y là một nghề cao quý, với công việc đặc thù là chữa bệnh cứu người và giúp đỡ người bệnh vượt qua những nỗi đau về bệnh tật.
Y học ngày càng tiến bộ, Y tế Việt Nam cũng ngày càng phát triển lớn mạnh với đội ngũ thầy thuốc tâm huyết với nghề, có chuyên môn cao, nhiều trang thiết bị y học hiện đại được đưa vào ứng dụng đem lại hiệu quả cao trong lĩnh vực điều trị.
Chúng ta đã, đang và sẽ cố gắng không ngừng, nỗ lực không ngừng để ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, ngành y tế chúng ta đang ở trong thời kỳ hết sức nhạy cảm, chỉ cần một tai biến y khoa dù có hay không sự sai sót của nhân viên y tế, chỉ cần có một sự ko hài lòng của người bệnh cũng sẽ trở thành tiêu điểm của truyền thông báo chí, dư luận.
Bên cạnh đó, sự bất cập của các thủ tục hành chính, bệnh tật và đau đớn làm người bệnh thay đổi tâm lý, nhạy cảm, dễ bị tổn thương để rồi khi họ đến với chúng ta với thái độ lo lắng, bức xúc và trở thành khách hàng khó tính, có thể dẫn đến những lời nói, hành vi mất kiểm soát.
Đây là thực trạng chung hiện nay của ngành chứ không riêng gì của bệnh viện nào cả.
Chính vì lẽ đó, ngày 04 tháng 6 năm 2015, Bộ trưởng BYT Nguyễn Thị Kim Tiến đã kí quyết định số 2151/QĐ-BYT ban hành kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Sự hài lòng của người bệnh chính là tài sản có giá trị phi vật thể của cơ sở cung cấp dịch vụ, là thước đo chất lượng và kết quả dịch vụ Y tế, là mục tiêu và động lực cho sự phát triển đi lên của mỗi đơn vị.
Theo TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện góp phần đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Tại bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, tổ công tác xã hội của bệnh viện được thành lập theo quyết định số 95/QĐ-BVDL, ngày 3/6/2016 của Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, thuộc phòng Điều dưỡng, gồm 01 tổ trưởng và 2 thành viên cùng mạng lưới gồm 10 cộng tác viên phân đều ở các khoa phòng, trong đó mỗi khoa phòng có 1 nhân viên y tế làm cộng tác viên.
Trong thời gian qua,Tổ Công tác xã hội đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ theo quy định, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể như sau:
- Luôn có mặt đúng giờ tại tiền sảnh khoa khám bệnh với trang phục gọn gàng, lịch sự.
- Chủ động đón tiếp niềm nở, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, phân loại bệnh nhân ban đầu, cung cấp thông tin, giới thiệu về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện cho người bệnh ngay từ khi người bệnh vào khoa khám bệnh và trong suốt quá trình khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
- Hỗ trợ tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh , các chương trình chính sách xã hội về bảo hiểm Y tế, trợ cấp xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Phối hợp với bác sỹ điều trị trực tiếp hoặc NVYT tại khoa mà người bệnh đang khám chữa bệnh để biết rõ thêm thông tin về tình hình sức khỏe người bệnh cũng như những khó khăn kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ và tìm nguồn lực giúp đỡ
- Kết hợp với Đoàn Thanh niên bênh viện hằng tháng tổ chức nồi cháo tình thương cho bệnh nhân tại bệnh viện
Chúng tôi nhận thấy rằng những bệnh nhân đến với bệnh viện đều là những bệnh nhân, những khách hàng hết sức khó tính, đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt, mềm dẻo trong quá trình chăm sóc điều trị, tùy vào tình trạng sức khỏe khác nhau mà người bệnh có những nỗi lo lắng về bệnh tật khác nhau, có những nhu cầu chung và riêng khác nhau, có những lí do khác nhau để tỏ thái độ không hài lòng với chúng ta. Nhưng người bệnh cũng dễ bị thuyết phục và cảm động bởi những hành động giúp đỡ nhỏ nhất, những câu nói thăm hỏi động viện, cử chỉ chia sẻ, đồng cảm của CBYT đối với họ.
Vì vậy, Tổ CTXH của bệnh viện hoạt động với phương châm “ lấy người bệnh làm trung tâm, bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.
Nhưng thiết ngĩ rằng, phương châm này không chỉ riêng cho tổ CTXH mà là cho toàn thể nhân viên bệnh viện cùng đồng lòng. Chúng ta hãy xem người bệnh là trung tâm để cùng nhau thực hiện nghĩa vụ cao đẹp chăm sóc sức khỏe nhân dân, dựa trên nòng cốt là “văn hóa phục vụ, quy tắc ứng xử và 12 điều Y đức”, để thời gian tới trong thùng thư góp ý không còn thư chê, chỉ còn thư khen, để không còn nghe thấy những cuộc gọi đường dây nóng phản ánh tinh thần, thái độ phục vụ của NVYT, để dần cải thiện hình ảnh ngành Y tế của chúng ta.
Chúng ta làm tốt văn hóa phục vụ, vì sự hài lòng của người bệnh, vì một tương lai phát triển của bệnh viện da liễu Đà nẵng và trên hơn hết là vì đạo đức ngành Y.
Chúng tôi trên mạng xã hội