1. Trứng cá là gì?
Trứng cá là bệnh lý viêm mạn tính ở nang lông, có thể ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như yếu tố di truyền, hormone, stress, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn và lối sống. Sự liên quan giữa chế độ ăn và trứng cá là mối quan tâm của nhiều bệnh nhân, cũng là câu hỏi thường xuyên được đặt cho bác sĩ da liễu trong thực hành lâm sàng, tuy nhiên các quan điểm về vấn đề này vẫn còn chưa thống nhất.
2. Cơ chế bệnh sinh của Trứng cá
- Cơ chế bệnh sinh của trứng cá gồm 4 yếu tố chính: tăng sản xuất bã nhờn, tăng sinh vi khuẩn Cutibacterium acnes (C. acnes, trước đây được gọi là Propionibacterium acnes), tăng sừng hóa cổ nang lông, và phản ứng viêm ở khu vực nang lông- tuyến bã.
- Sản xuất bã nhờn quá mức xảy ra do sự gia tăng hoạt động của hormone androgen và yếu tố tăng trưởng giống insulin-1(IGF-1). IGF-1 cũng làm kích hoạt con đường tín hiệu của phức hợp Rapamycin 1 ở động vật có vú ( mTORC1). Trong đó mTORC1 có vai trò quan trọng trong mụn trứng cá do kích thích tăng sinh tuyến bã, tổng hợp lipid và tăng sản tế bào sừng.
- Ngoài ra, IGF-1 làm tăng nồng độ androgen, androgen lại có tác dụng làm tăng sản xuất IGF-1 nội sinh, tạo thành một vòng điều hòa ngược dương tính càng làm tăng sản xuất bã nhờn. Tăng insulin máu làm tăng mức lưu hành của IGF-1 và protein gắn với IGF, tác động trực tiếp đến tăng sản tế bào sừng và quá trình chết tế bào theo chương trình.
- Hormone tăng trưởng và chất trung gian gây viêm cũng có liên quan đến sự phát triển của mụn trứng cá.
Hình 1: Ảnh hưởng của một số loại thực phẩm đến cơ chế bệnh sinh của trứng cá
3. Các thực phẩm nên kiêng trong điều trị Trứng cá
a. Đường tinh luyện
- Đường tinh luyện có chỉ số đường huyết ( GI) cao. Tải lượng đường huyết (glycemic load – GL) là thước đo khả năng làm tăng đường huyết của thực phẩm, chỉ số này thể hiện lượng carbohydrate trong loại thực phẩm đó. GI và GL được chứng minh có ảnh hưởng đến cơ chế bệnh sinh của trứng cá.
- Chế độ ăn uống ít GL làm giảm nồng độ androgen tự do và tăng protein liên kết với IGF-1, do đó làm giảm nồng độ IGF-1 tự do. Ngoài ra, chế độ ăn uống có GL thấp làm tăng mức lưu hành của các protein liên kết IGF-1, điều này làm giảm hoạt tính sinh học của IGF-1.
b. Sữa động vật và các chế phẩm từ sữa động vật
- Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng các sản phẩm sữa ảnh hưởng đến trứng cá thông qua tăng nồng độ yếu tố tăng trưởng giống insulin-1 (IGF-1) trong huyết thanh.
- Ngoài ra, sữa bò công nghiệp đã được báo cáo là có nhiều yếu tố tăng trưởng khác, như tiền chất của testosterone, chất này tăng sinh nhân mụn thông qua kích thích sản xuất bã nhờn và tăng sừng hóa của đơn vị nang lông-tuyến bã.
c. Thịt đỏ
- Chất béo omega-6 là tiền thân của chất trung gian tiền viêm và có liên quan đến sự phát triển của mụn viêm.
- Protein từ thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa và acid béo Omega 6. Đặc biệt, thịt đỏ đặc biệt giàu đường Neu5Gc, một loại đường bị khoa học xếp loại "non-human sugar", tức không phù hợp với con người, có thể thúc đẩy phản ứng viêm và tiến triển ung thư. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng khuyến khích con người nên ưu tiên nhóm thịt trắng khi tiêu thụ sản phẩm động vật, nhất là ưu tiên cá, vì những lý do trên và nhiều mục tiêu sức khỏe khác.
- Trong từng khẩu phần ăn, chúng ta cần quan tâm đến tỉ lệ giữa axit béo omega-6 và omega-3. Các nghiên cứu đã gợi ý rằng các marker viêm tăng lên khi tỷ lệ này tăng lên. Tỉ lệ này trong chế độ ăn phương Tây thường ít nhất là 10: 1, so với tỷ lệ 4: 1 ở Nhật Bản và 2: 1 trong các quần thể phi công nghiệp hóa. Các nghiên cứu trên các nhóm dân cư khác nhau cho thấy khi chế độ ăn có xu hướng phương Tây hóa thì tỉ lệ trứng cá trong quần thể cũng tăng lên. Điều này có thể được giải thích bởi thành phần thức ăn nhiều các sản phẩm từ sữa và các acid béo có hại (các acid béo omega-6).
4. Kết luận:
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong điều trị và duy trì hiệu quả điều trị mụn trứng cá.
- Với những cơ chế ngày càng được chứng minh thì thức ăn ảnh hưởng đến nhiều cơ chế bệnh sinh và làm nặng thêm tình trạng mụn trứng cá.
- Trong thực tế lâm sàng, bác sĩ da liễu cần biết các yếu tố trong chế độ ăn có tiềm năng gây ra hoặc làm nặng lên tình trạng trứng cá của bệnh nhân và cần tư vấn kỹ cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân ghi nhận mối liên quan giữa một yếu tố chế độ ăn uống cụ thể và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá, họ nên được hướng dẫn loại trừ nó khỏi chế độ ăn uống hoặc hạn chế tiêu thụ. Tuy nhiên, chế độ ăn không phải là phương pháp điều trị và không thay thế được các chỉ định điều trị tại chỗ hay toàn thân khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Baldwin H, Tan J. Effects of Diet on Acne and Its Response to Treatment. Am J Clin Dermatol. 2021 Jan;22(1):55-65.
2. Atkinson FS, Foster-Powell K, Brand-Miller JC. International tables of glycemic index and glycemic load values: 2008. Diabetes Care. 2008 Dec;31(12):2281-3.
Bs Đặng Thị Thu Huyền
Chúng tôi trên mạng xã hội