Bệnh viện Da Liễu TP.Đà Nẵng

CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC SỨC KHỎE BỆNH PEMPHIGUS

Thứ ba - 04/10/2022 23:57
CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC SỨC KHỎE  BỆNH PEMPHIGUS
1. ĐẠI CƯƠNG
 - Pemphigus thuộc nhóm bệnh da có bọng nước tự miễn đặc trưng bởi tổn thương bọng nước ở da và niêm mạc. Nguyên nhân là do xuất hiện tự kháng thể chống lại bề mặt tế bào gai, dẫn đến mất liên kết giữa các tế bào này.
 - Theo lâm sàng, bệnh được phân làm 4 loại chính:
 + Pemphigus thông thường (pemphigus vulgaris)  
+ Pemphigus sùi (pemphigus vegetant)
+ Pemphigus vảy lá (pemphigus foliaceus)
+ Pemphigus đỏ da (pemphigus erythematosus) hay pemphigus da mỡ
 - Theo miễn dịch học, hình ảnh mô bệnh học, có 2 nhóm chính:
+ Nhóm pemphigus sâu: gồm pemphigus thông thường và pemphigus sùi.
+ Nhóm pemphigus nông: gồm pemphigus vảy lá và pemphigus da mỡ.
 - Tuổi phát bệnh trung bình là 40-60, có thể gặp ở trẻ nhỏ và người già. Gặp ở cả nam và nữ.
- Dịch tễ học của bệnh phụ thuộc vào vùng địa lý và dân tộc. Pemphigus vulgaris hay gặp ở người Do Thái, nhưng ở nhóm người này lại không bị pemphigus vảy lá.
2. KẾ HOẠCH CHĂM SÓC
2.1 Nhận định
-  Tình trạng toàn thân và tình trạng tinh thần của người bệnh.
-  Dấu hiệu sinh tồn: Mạch, nhiệt độ, nhịp thở, huyết áp, nước tiểu 24 giờ (màu sắc, số lượng)
-  Tổn thương da, niêm mạc.
- Tình trạng đau, có mùi thối đặc biệt  
- Tình trạng tiêu hoá, ăn uống  
-  Tình trạng nước và điện giải
-  Khả năng biến chứng có thể xảy ra.
2.2 Chẩn đoán điều dưỡng:         
1. Người bệnh có thể sốt liên quan đến tình trạng bệnh
2. Người bệnh có biểu hiện toàn trạng suy sụp liên quan đến tiến triển bệnh
3. Người bệnh có tổn thương da và niêm mạc do tình trạng bệnh.
4. Người bệnh đau, khó chịu có mùi hôi đặc biệt liên quan đến tình trạng tổn thương da và niêm mạc.
5. Nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng do ăn uống kém, tổn thương niêm mạc miệng hoặc liên quan đến chế độ ăn không hợp lý.
6. Nguy cơ rối loạn nước và điện giải do tình trạng bệnh
7. Nguy cơ nhiễm trùng liên quan đến tình trạng tổn thương
8. Người bệnh lo lắng do thiếu kiến thức về bệnh.
9. Người bệnh ngủ ít do đau, khó chịu.
10. Khả năng bệnh tiến triển rất nặng dẫn đến tử vong do nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, mất đạm, mất nước và điện giải liên quan tiến triển bệnh.
2.3 Lập kế hoạch:
1. Hạ sốt cho NB. Theo dõi tình trạng sốt và dấu hiệu sinh tồn NB theo y lệnh và khi có yêu cầu
2. Chăm sóc thương tổn da và niêm mạc
3. Giảm đau đớn, khó chịu, mùi hôi cho NB
4. Thực hiện y lệnh kịp thời đầy đủ
5. Tăng cường chế độ dinh dưỡng bằng nhiều đường.
6. Đảm bảo cân bằng nước điện giải
7. Giảm lo lắng, Giáo dục sức khỏe cho NB.
8. Tăng cường giấc ngủ hiệu quả cho người bệnh.
9. Ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra.
624  Thực hiện kế hoạch chăm sóc     
2.4.1 Chăm sóc cơ bản và đặc biệt:      
- Hạ sốt cho NB: Dùng khăn mềm lau người bằng nước ấm, cho mặc quần áo rộng, thoáng. Thực hiện thuốc uống hạ sốt theo y lệnh.          
- Đo dấu hiệu sinh tồn: Mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, nước tiểu theo y lệnh, khi có yêu cầu và thực hiện xử trí theo y lệnh.             
- Vệ sinh:
+ Tuỳ mức độ nặng của bệnh phải chú ý đảm bảo vô khuẩn, thay ga, thay áo quần cho NB hàng ngày và khi cần thiết, không cho người nhà vào thăm nhiều để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
+ Giúp hoặc làm vệ sinh thân thể, răng miệng, mắt mũi, bộ phận sinh dục, phòng dính, nhiễm khuẩn. Cho NB tắm bằng nước thuốc tím 1/10.000. Sau đó bôi thuốc theo y lệnh.
+  Nếu miệng có nhiều thương tổn: Súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn sau đó bôi thuốc theo y lệnh để làm dịu đau.
+ Giữ vệ sinh môi trường xung quanh. Tránh mùi hôi, chống ruồi, muỗi. Bảo đảm phòng bệnh thoáng mát, tránh nóng, lạnh.
- Tinh thần:  
+ Cho NB nằm nghỉ ngơi tại giường, đảm bảo yên tĩnh, giảm tiếng ồn, giảm ánh sáng để giúp BN dễ ngủ hơn.
+ Giải thích, ân cần, thông cảm, an ủi, động viên quan tâm  NB và người nhà người bệnh để họ yên tâm, tin tưởng và hợp tác điều trị.
2.4.2 Chăm sóc tổn thương da và niêm mạc:
- Thay ga trải giường, quần áo vô khuẩn hàng ngày và khi có yêu cầu
- Niêm mạc miệng: Cho NB súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn hàng ngày sau khi ăn, sau đó chấm lên tổn thương xylocain gel 1-2% hay cồn ngọt diphenhydramine theo y lệnh để làm dịu đau.
- Rửa các vùng da tổn thương hàng ngày bằng nước muối sinh lý, dung dịch thuốc tím loãng 1/10.000.
- Bọng nước chưa vỡ sẽ được chọc hút dịch bọng nước, cố gắng giữ lại vòm bọng nước, Bọng nước đã vỡ hoặc đóng vảy tiết ẩm, ĐD dùng gạc mềm hoặc bông cầu vô trùng tẩm dung dịch nước muối rửa tổn thương, lấy bỏ giả mạc (nếu có).
- Vệ sinh niêm mạc mắt, mũi, miệng bằng nước muối sinh lý, tra thuốc nhỏ mắt mắt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Nếu có trợt niêm mạc sinh dục thì nên vệ sinh bằng muối sinh lý, thuốc tím pha loãng 1/10.000, bôi glycerinborat 2%, dung dịch eosin 2% hoặc chấm dung dịch milian vào vị trí vết thương.
- Thấm khô tổn thương, giữ ấm cho BN làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu, giảm đau đớn tại tổn thương.
-  Không cho NB cào gãi tổn thương.
- Cho NB tắm, gội đầu 1 lần/ngày bằng dung dịch thuốc tím 1/10.000.  Khi tắm, gội cần tránh kỳ cọ mạnh làm trầy xước, lột da thành mảng gây đau rát, nhiễm khuẩn, lâu lành tổn thương.
- Bôi thuốc theo y lệnh, bôi nhẹ nhàng, tránh chà xát, miết mạnh lên tổn thương vì tổn thương dễ trợt lỡ.
-  Hướng dẫn người nhà tuân thủ các nội quy bệnh viện để đảm bảo vô trùng.
2.4.3 Thực hiện y lệnh: Kịp thời, đầy đủ, chính xác.
2.4.4 Chăm sóc chế độ ăn: Giải thích cho NB và người nhà tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với quá trình điều trị và phục hồi.
- Uống: Cho NB uống uống nhiều nước, uống nước cam, nước chanh đường. Không sử dụng các chất kích thích như trà, cà phê, chất kích thích...
- Ăn: Nên ăn lỏng, ăn nhẹ, dễ tiêu. Thay đổi món ăn hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng giúp BN ăn ngon miệng hơn. không ăn đồ ăn cay, nóng, chua sẽ làm cho NB thấy đau đớn.
+ Thực phẩm nên dùng: Các loại cá: cá ngừ Albacore, cá trích, cá thu, cá mòi, cá hồi. súp miso, dưa chua lên men tự nhiên, bánh bột mì chua, sữa chua. Thực phẩm giàu kẽm. Cung cấp thêm vitamin bổ sung bằng các loại hoa quả hoặc nước hoa quả tươi: Táo, bông cải xanh, cheri, cải xoăn, rau bina.
+ Thực phẩm hạn chế dùng: Tỏi, hành tây, tỏi tây, hẹ, xoài, hạt điều, tiêu đen cũng có thể gây khởi phát và làm bệnh nặng thêm. Một số thực phẩm chứa tannin bao gồm xoài, sắn, mâm xôi, việt quất, dâu đen, bơ, đào, gừng, nhân sâm, trà và rượu vang đỏ…Chế độ ăn không có gluten: cũng có vai trò trong bệnh pemphigus.
- Nếu NB không tự ăn được phải nuôi dưỡng NB bằng đường tĩnh mạch, qua thông dạ dày (đảm bảo đủ dinh dưỡng).
- Đảm bảo cân bằng nước và điện giải.
2.4.5. Chế độ theo dõi:
- Diễn biến lâm sàng: Theo dõi tiến triển bất thường tại chỗ và toàn thân như: Dấu hiệu sinh tồn, nước và điện giải, chức năng gan, thận tổn thương để phòng biến chứng và bệnh nặng lên.
- Chế độ sử dụng thuốc: Cách bôi, thời gian, liều lượng, đường dùng...
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh, tình trạng nhiễm trùng…
2.5.  Đánh giá, ghi hồ sơ và báo cáo
Đánh giá tình trạng toàn thân, dấu hiệu sinh tồn 
-  Đánh giá tình trạng tiến triển của thương tổn.
-  Các kỹ thuật và thuốc đã thực hiện.
 3. GIÁO DỤC SỨC KHỎE 
* Giáo dục sức khỏe
- Yếu tố tinh thần:
+  Đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh pemphigus nên cần an ủi, động viên NB và NNNB để họ yên tâm, tin tưởng và hợp tác điều trị.
+  Để chung sống hòa bình với căn bệnh này NB cần phải: Có tinh thần lạc quan, tránh căng thẳng, lo lắng. Tìm cách tạo cho mình cảm giác thoải mái, hãy sắp xếp thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý tinh thần vui vẻ để khỏe mạnh hơn. Nên gia nhập một số nhóm để cùng chia sẽ, cùng chăm sóc, nhận được sự đồng cảm của những người đồng cảnh ngộ.
Tránh làm tổn thương da: Tránh các môn thể thao hay hoạt động phải cọ xát cơ thể với vật khác. Bảo vệ cơ thể khỏi các tác động gây tổn thương da như tránh va chạm, nhiễm bẩn, côn trùng cắn, vệ sinh thân thể hằng ngày. Không cào gãi, chà xát lên vùng da bị pemphigus nó có thể gây vỡ các bọng nước sẽ khiến cho thương tổn lan rộng và sâu hơn gây đau rát khó chịu và khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn. Hãy giữ cho làn da luôn sạch sẽ và lành lặn để giảm nguy cơ nhiễm trùng và kích ứng.
- Tránh nhiễm trùng da: Thay ga trải giường và khăn tắm thường xuyên, giặt chăn, gối bằng các chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không gây kích ứng da. Thay quần áo khi đổ mồ hôi và luôn mặc quần áo sạch sau khi tắm. Tránh sử dụng bồn tắm nước nóng và những nơi mà da có thể tiếp xúc với các chất kích thích hóa học độc hại hoặc mầm bệnh. Phòng ngừa và trị liệu sớm các nhiễm trùng đường hô hấp, răng miệng. Không nên sử dụng thuốc bừa bãi để tự chữa bệnh sẽ có thể gây nguy hiểm và khiến cho tình trạng bệnh pemphigus trầm trọng hơn, như thuốc lá, thuốc nam.
Chăm sóc các vết thương: Luôn lưu tâm tới các mụn nước và vết loét. Hãy giữ chúng luôn sạch sẽ, tránh xa bụi bẩn, các mảnh vỡ và vi khuẩn. Sử dụng băng hoặc thuốc mỡ khi cần thiết để bảo vệ da khỏi nhiễm trùng. Để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng hãy giữ sạch sẽ tất cả các vết thương, bao gồm cả vết cắt và vết xước, bằng cách chăm sóc đúng cách, thay băng hằng ngày. Tuân thủ thực hiện theo đúng hướng dẫn điều trị bệnh của bác sĩ. Thường xuyên kiểm tra định kì tình trạng bệnh
- Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hướng dẫn NB và người nhà cho người bệnh ăn, uống theo đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu có xuất hiện chứng đau khi nuốt nên ăn lỏng, ăn nhẹ, dễ tiêu. Thay đổi món ăn hàng ngày đảm bảo dinh dưỡng giúp BN ăn ngon miệng hơn. Không ăn đồ ăn cay, nóng, chua sẽ làm cho NB thấy đau đớn. Uống đủ nước để chống mất nước. Cung cấp thêm vitamin bổ sung bằng các loại hoa quả hoặc nước hoa quả tươi.
- Hướng dẫn người nhà tuân thủ các nội quy bệnh viện để đảm bảo vô trùng. Rửa tay cẩn thận: bất cứ người nào đang chăm sóc vùng da thương tổn cần phải rửa sạch tay để phòng chống bệnh nhiễm trùng.
* Phòng bệnh:
- Tất cả những quy trình chăm sóc bệnh nhân bị Pemphigus đều phải được đảm bảo vô trùng. Chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, ngâm quần áo, chăn màn, đồ dùng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B 2% hoặc nước sôi để diệt khuẩn.
- Tránh các môn thể thao hay hoạt động phải cọ xát cơ thể với vật khác. Bảo vệ cơ thể khỏi các tác động gây tổn thương da như tránh va chạm, nhiễm bẩn, côn trùng cắn, vệ sinh thân thể hằng ngày.
- Khuyên NB chung sống hòa bình với bệnh, lạc quan, tránh căng thẳng, lo lắng. Tìm cách tạo cho mình cảm giác thoải mái, hãy sắp xếp thời gian làm việc nghỉ ngơi hợp lý tinh thần vui vẻ để khỏe mạnh hơn.
- Không nên cho người bệnh ăn quá nhiều đồ ngọt hoặc đồ mặn nhằm tránh tác dụng phụ của thuốc.
- Nên chọn quần áo có độ che phủ cao, rộng rãi thoáng mát. Khi ra ngoài trời nên đội mũ rộng vành, mang kính râm…tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trực tiếp, tránh mang vác túi xách, balo nặng.
- Tái khám định kỳ theo chỉ định của Bác sĩ.
Tài liệu tham khảo: HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH DA LIỄU của Bộ Y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015)
 ĐD CKI Lê Thị Kiều Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây