Bệnh viện Da Liễu TP.Đà Nẵng

ĐIỀU DƯỠNG TRONG CÁC BỆNH DA DO THIẾU KẼM

Thứ năm - 29/06/2023 05:20
ĐIỀU DƯỠNG TRONG CÁC BỆNH DA DO THIẾU KẼM
           Kẽm là một vi khoáng nhiều thứ hai sau sắt, cơ thể của người trưởng thành có khoảng 1,5-2,5g kẽm, khoảng 90% kẽm tập trung ở cơ và xương. Trên 95% kẽm của cơ thể gắn với các metalloenzym (MT) của tế bào và màng tế bào. Kẽm trong huyết tương chiếm khoảng 0,1%  lượng kẽm trong cơ thể, thay đổi rất nhanh tuỳ theo tình trạng sinh lý và lượng kẽm trong thức ăn. Trên 80% kẽm trong máu được tập trung trong các tế bào máu: Hồng cầu người có khoảng 1mg kẽm/106 tế bào và Bạch cầu thì có khoảng 6mg kẽm/106 tế bào.
            Kẽm tham gia vào thành phần của trên 100 enzym. Kẽm là chất xúc tác không thể thiếu được của ARN-polymerase, có vai trò quan trọng trong nhân bản ADN và tổng hợp protein. Kẽm tập trung nhiều ở hệ thần kinh trung ương, chiếm 1,5% tổng lượng kẽm trong cơ thể. Kẽm còn tham gia vào hoạt động của một số hormon: giúp tăng cường TH,  FSH và testosterol, tăng chuyển hoá glucose của insulin. Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ làm giảm phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, bao gồm cả tế bào T, B và đại thực bào.
            Lượng kẽm được hấp thu khoảng 5mg/ngày, chủ yếu hấp thu ở đại tràng và hỗng, hồi tràng. Hấp thu kẽm phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như: số lượng và dạng kẽm, các chất gây ức chế hấp thu (Fe, Phytate, ..), tình trạng sinh lý (có thai, cho con bú, sinh non...).  Nếu bổ sung cả sắt và kẽm cùng lúc thì hấp thu kẽm có thể giảm. Tỷ lệ sắt/kẽm phù hợp nhất để hạn chế sự ức chế hấp thu này  là < 2:1.
            Khi cơ thể thiếu kẽm sẽ dẫn đến lười ăn, chậm phát triển thể lực, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm khả năng sinh sản. Thiếu kẽm còn gây ra một số bệnh lý ở mắt. Đặc biệt trong chuyên khoa da liễu, tình trạng  thiếu kẽm sẽ dẫn đến các bệnh lý về da và niêm mạc. Nếu không phát hiện sớm và chẩn đoán đúng bệnh, kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

            Trong công tác chăm sóc bệnh nhân bị các bệnh da do thiếu kẽm, chúng ta cần đặc biệt chú ý chăm sóc một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất đặc biệt bổ sung những loại thức ăn giàu kẽm như: động vật có vỏ ( hàu, cua, sò, hến…), các loại cây họ đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu lăng, đậu ngự, đậu gà, đậu hà lan…), các loại hạt (hạt bí, hạt vừng, hạnh nhân, yến mạch, óc chó, hạt chia…), sữa, trứng, nấm và một số loại rau củ quả (củ cải, rau chân vịt, quả ổi, lựu, bơ, mâm xôi…). Cần chú ý giữ gìn cơ thể tránh các tác nhân và môi trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh và mát mẻ khi nắng nóng. Cần đặc biệt chú ý chăm sóc những vùng da bị tổn thương, tắm rửa sạch sẽ hằng ngày và sử dụng các loại thuốc bôi da theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
da liễu. Ngoài ra, cần tư vấn, giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân hiểu được tầm quan trọng của việc bổ sung kẽm cho cơ thể cũng như việc chọn lựa các loại thức ăn giàu kẽm. Cần giáo dục cho cộng đồng hiểu về tầm quan trọng của kẽm và phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh da thiếu kẽm để điều trị kịp thời theo đúng chuyên khoa.
Một số hình ảnh của bệnh da do thiễu kẽm tại khoa Da – Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng













 

Nguồn tin: Huỳnh Thị Nga - Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây